“Chà”, Settembrini mủm mỉm cười, “đấy cũng là một cái gu.”
“... và đồ đạc sang trọng”, Hans Castorp liệt kê, “bức tượng tôn giáo từ
thế kỷ mười bốn... ngọn đèn chùm pha lê Venezia... thằng nhỏ gia nhân mặc
đồng phục... và bánh ga tô xốp nữa, bao nhiêu thứ. Thế có nghĩa là bản thân
ông ta...”
“Ông Naphta”, Settembrini bảo, “cũng chẳng giàu có gì hơn tôi.”
“Thế thì ông ta lấy đâu ra...” Hans Castorp ngớ ra. “Trong lời giải thích
của ông có một chỗ không ổn, thưa ông Settembrini.”
“Dĩ nhiên họ không để cho người của họ thiếu thốn rồi.”
“”Họ” là ai?”
“Thì mấy đức cha.”
“Mấy đức cha? Cha nào?”
“Ơ kìa, ông kỹ sư, các cha dòng Tên chứ còn cha nào nữa!”
Sau đó là một quãng lặng. Hai anh em bất ngờ đến nỗi không thốt được
lời nào. Cuối cùng Hans Castorp kêu lên:
“Sao cơ, trời đất ơi, lạy Chúa, mẹ kiếp - ông ta là thầy tu dòng Tên?”
“Ông đoán chẳng sai”, ông Settembrini vẫn hết sức lịch thiệp.
“Không, thật tôi chẳng bao giờ... Ai mà ngờ được! Hóa ra vì thế mà lúc
nãy ông gọi ông ta là ‘đức cha’?”
“Tôi có hơi cường điệu một chút”, Settembrini bảo. “Ông Naphta không
phải là linh mục. Bệnh tật là lý do khiến ông ta tạm thời chưa được phong
chức này. Ông ta đã hoàn thành giai đoạn thử thách và trải qua kỳ khấn
nguyện thứ nhất thì căn bệnh quái ác này phát ra ngăn cản ông ta tiếp tục
việc tu tập. Sau đó ông ta còn giữ chức giám hộ vài năm ở một chủng viện
của dòng tu, tức là làm người đứng đầu giám sát, cai quản các chủng sinh ở
trường dòng. Việc làm ấy giúp ông ta tạm thời thỏa mãn hứng thú sư phạm
của mình. Lên tới trên này ông ta vẫn còn muốn dạy dỗ người khác, bây giờ
là dạy tiếng Latinh ở trường trung học Fridericianum. Ông ấy ở đây đã năm
năm rồi. Không ai biết bao giờ ông ta có thể rời khỏi chốn này, thậm chí
chẳng biết liệu có ngày ấy hay không nữa. Nhưng dù sao ông ta cũng là
người của dòng tu, và mặc dù ông ta không còn sinh hoạt chung với họ, họ
cũng vẫn lo liệu chu toàn cho ông ta. Như tôi đã nói, bản thân ông ta nghèo