“Báo cáo, đúng, thưa ông cố vấn cung đình”, Joachim trả lời, môi giật
giật.
“Thôi được rồi, Ziemßen.” Ông cố vấn cung đình đổi nét mặt, hạ giọng,
chuyển sang thái độ hòa hoãn. “Thôi được, Ziemßen. Nghỉ! Chúa phù hộ
ông. Như tôi thấy, ông biết rõ ông muốn gì. Ông tự nhận lấy mọi rủi ro về
phần mình, đó là chuyện của riêng ông, chuyện ấy chẳng can hệ gì đến tôi
nữa, kể từ lúc ông có quyết định này. Phận ai nấy lo. Ông tự ý xuống núi, tôi
không bảo đảm gì cả. Nhưng biết đâu đấy, có khi mọi sự lại tốt đẹp thì sao.
Cái nghề ông chọn cũng hay, suốt ngày ở ngoài trời. Rất có thể nó có lợi cho
sức khỏe của ông và ông sẽ khỏi bệnh cũng nên.”
“Vâng, thưa ông cố vấn cung đình.”
“Nào, còn ông thì sao, ông bạn trẻ dân sự? Ông cũng đi với anh họ ông
chứ?”
Đối tượng của câu hỏi này là Hans Castorp. Chàng đứng bất động, mặt tái
nhợt như một năm trước, trong lần khám bệnh trước khi chính thức nhập
viện, ở đúng vị trí ngày nào chàng đã đứng, và cũng như ngày nào, có thể
nhìn thấy cả nhịp đập thoi thóp của trái tim chàng trong lồng ngực. Chàng
bảo:
“Tôi muốn theo quyết định của ông, thưa ông cố vấn cung đình.”
“Quyết định của tôi hử. Được!” Và ông ta nắm cánh tay chàng lôi xềnh
xệch về phía mình, rồi vừa gõ vừa nghe. Ông ta không đọc gì cho ông bác sĩ
trợ lý chép. Thủ tục khám bệnh diễn ra khá chóng vánh. Xong ông ta bảo:
“Ông được ra viện.” Hans Castorp lắp bắp:
“Thế là... tại sao? Tôi đã khỏe hẳn rồi ư?”
“Phải, ông khỏe hẳn rồi. Vết ướt ở phía trên bên trái không đáng kể nữa.
Nhiệt độ bất thường của ông không phải tại chỗ ấy. Do đâu ông bị sốt thì
chính tôi cũng không biết. Tôi cho rằng những cơn sốt nhẹ ấy không có gì
đáng ngại. Ông cứ việc xuống núi.”
“Nhưng mà... Thưa ông cố vấn cung đình... Ông nói thật hay nói đùa đấy
ạ?”
“Đùa? Đùa là thế nào? Ông nghĩ sao mà lại nói thế? Ông nghĩ thế nào về
tôi, tôi muốn biết điều đó? Ông coi tôi là người thế nào đây? Một tay chủ