tổn hại nhân phẩm của con người, thậm chí nó có thể hủy hoại nhân phẩm
bằng cách hạ thấp con người đến mức chỉ còn tấm thân trần tục. Tóm lại,
bệnh tật là điều vô nhân tính.
Bệnh tật là điều mang tính nhân bản cao nhất, Naphta lập tức phản bác
lại; vì đã là người thì phải có bệnh. Về căn bản con người là bệnh tật, và
bệnh tật lại làm cho anh ta có tính người. Những cố gắng tìm cách chữa trị
bệnh tật, giúp con người hòa hợp với thiên nhiên, đưa anh ta “trở về trạng
thái tự nhiên” (mặc dù bản thân anh ta chưa bao giờ tự nhiên cả), đám lang
băm hiện đại sử dụng những biện pháp như phục hồi sinh lực, áp dụng chế
độ dinh dưỡng không chế biến, điều dưỡng bằng không khí trong lành hay
tắm nắng vân vân nhan nhản khắp nơi, nhưng đám đệ tử Rousseau ấy không
nhắm tới mục tiêu nào khác ngoài việc hủy hoại nhân tính và thú vật hóa con
người... Nhân tính ư? Cao thượng ư? Tinh thần chính là thứ làm cho con
người, tạo vật đã tách mình ra khỏi thiên nhiên và dám đương đầu với thiên
nhiên, vượt lên trên tất cả các sinh vật khác. Và như thế, ẩn náu trong tinh
thần, trong bệnh tật chính là nhân phẩm và sự cao quý của con người; nói
tóm lại, người ta càng bệnh hoạn thì lại càng con người hơn, và vị thần bảo
hộ cho bệnh tật mang nhiều tính người hơn vị thần bảo hộ cho sức khỏe. Kỳ
quái làm sao, một người luôn vỗ ngực tự xưng là nhân đạo lại nhắm mắt bịt
tai trước chân lý cơ bản này. Ông Settembrini luôn miệng nhắc đến tiến bộ.
Chẳng lẽ ông ta không biết rằng tiến bộ - nếu như quả thực có tồn tại cái gì
như thế - nhờ bệnh tật mới có, và duy nhất chỉ nhờ bệnh tật mà thôi! Nói
cách khác, tiến bộ có được nhờ những phát minh thiên tài, và đó là cái gì
khác nếu không phải là những tư tưởng bệnh hoạn! Thời nào cũng vậy,
những người khỏe vẫn sống nhờ vào thành tựu trí tuệ của người bệnh! Có
những người chủ động và tự nguyện dấn thân vào bệnh tật và điên dại để
mang nhận thức đến cho nhân loại, những điều họ giác ngộ qua điên loạn đã
trở thành sáng suốt, mà việc sở hữu và áp dụng chúng không còn phụ thuộc
vào bệnh tật, và cố gắng để đạt được chúng là một hành động hy sinh anh
hùng đích thực. Đó là sự xả thân chịu đóng đinh trên thánh giá...
“A ha”, Hans Castorp nhủ thầm trong bụng, “ông thầy tu chưa đắc đạo
với những liên hệ và diễn giải về cái chết cứu nhân độ thế trên thánh giá!