với Lodovico Settembrini, phấn đấu để đạt được điều đó là luật lệ cao cả
nhất của đạo đức con người. Về mặt này ông Settembrini rất nghiêm khắc và
đạo đức, trong khi Naphta tỏ ra quá phóng túng khi đưa chân lý trở về ràng
buộc với con người và tuyên bố một câu xanh rờn: cái gì có lợi cho con
người, cái ấy là chân lý! Chân lý mà bị phụ thuộc vào quyền lợi của con
người đến thế, đó mới chính là nhỏ mọn và dung tục, ích kỷ và hủ lậu! Xem
xét cho kỹ thì cách suy nghĩ ấy chẳng khách quan lắm đâu, trong đó chứa
đựng nhiều tự do và chủ quan hơn mong muốn của Leo Naphta. Tương tự
như thế là phương châm “chính trị” theo cách diễn đạt rất sư phạm của ông
Settembrini: Tự do là luật lệ của lòng nhân ái. Vậy thì rõ ràng, cũng như
chân lý của Naphta, tự do của ông Settembrini bị ràng buộc vào một đối
tượng: con người. Và như thế nó nặng về quy định hơn là tự do. Ở đây sự
khác biệt lại có nguy cơ biến mất trong định nghĩa. Chà, cái ông Settembrini
này! Không phải vô cớ mà ông ta là văn sĩ, cháu của một nhà cách mạng và
con trai một người theo chủ nghĩa nhân văn! Ông ta hết lòng ca ngợi phê
bình và giải phóng tư tưởng, đồng thời tự do tán tỉnh các cô gái ngoài
đường, trong khi ông Naphta bé nhỏ sắc như dao bị ràng buộc bởi những lời
khấn nguyện nghiêm ngặt. Mặt khác, ông thầy tu lại đầy dục vọng với tự do
tư tưởng còn ông văn sĩ gần như một chàng ngốc đức độ. Ông Settembrini
sợ “ý tưởng chuyên chế” và bằng mọi giá muốn cột chặt tinh thần vào với
tiến bộ dân chủ - ông ta thất kinh trước sự phóng đãng tôn giáo đầy bạo
động của Naphta, khi ông này bỏ cả Chúa và quỷ, thánh thiện và tội lỗi, tài
năng và bệnh hoạn vào chung trong một rọ không cần đếm xỉa đến các giá
trị tinh thần, khả năng đánh giá của lý trí và ý chí. Vậy thì ai là người tự do,
ai là người bảo thủ, cái gì quyết định tư cách và địa vị của con người: sự sụp
đổ của một xã hội nhấn chìm và san bằng tất cả, vừa phóng đãng vừa khổ
hạnh, hay sự “chủ động phê phán”, trong đó nết ba hoa và nguyên tắc đạo
đức tiểu thị dân không ngớt dẫm chân lên nhau? Ôi, các nguyên tắc và quan
điểm cứ đụng vào nhau chan chát, mâu thuẫn nội tại đầy rẫy khiến cho cái
lương tâm dân sự của Hans Castorp cực nhọc vô cùng, vừa phải phân biệt
hai bên trận tuyến, vừa phải tách rời và làm sáng tỏ các lý lẽ, đến nỗi lắm lúc
chàng khó khăn lắm mới cưỡng lại được sự cám dỗ lao đầu vào cái “vũ trụ