TUYẾT
M
ỗi ngày năm lần bên bảy chiếc bàn ăn các thực khách được dịp đồng
thanh tỏ nỗi bất bình về thời tiết mùa đông năm nay. Họ lên án nó không làm
tròn bổn phận của mùa đông sơn cước, không đảm bảo những điều kiện khí
tượng có tác dụng chữa bệnh được coi là đặc điểm làm nên danh tiếng của
vùng này, không đúng với những điều được hứa hẹn trong quảng cáo, những
điều các ma cũ còn lưu giữ trong trí nhớ và các ma mới vẽ ra trong tưởng
tượng. Người ta ghi nhận sự vắng mặt thường trực của mặt trời, hậu quả là
sự thiếu thốn nghiêm trọng ánh nắng, một yếu tố có tác dụng chữa bệnh
quan trọng vào bậc nhất mà không có nó chắc chắn việc điều trị sẽ bị kéo
dài... Ông Settembrini muốn nói gì thì nói, ông ta cứ việc nghi ngờ sự trung
thực của khách an dưỡng ở ‘Sơn trang’ trong ước vọng sớm lành bệnh để rời
“cố hương” về lại đồng bằng; những ngày này họ đồng tâm hợp lực với nhau
đòi quyền lợi sao cho xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra, những đồng tiền cha
mẹ hay chồng họ phải trả cho việc điều trị bệnh của họ trên này, và họ kêu
ca phàn nàn bất cứ chỗ nào có thể: bên bàn ăn, trong thang máy hay ngoài
tiền sảnh. Ban lãnh đạo cũng cố gắng tỏ ra có trách nhiệm trong việc bồi
thường thiệt hại cho bệnh nhân về mặt này. An dưỡng đường vừa được trang
bị thêm một thiết bị “tắm nắng nhân tạo” mới, vì hai cỗ máy có sẵn không
đủ đáp ứng nhu cầu phơi nắng bằng điện năng của các bệnh nhân, ai cũng
muốn có làn da rám nắng làm các bà các cô rất ưa nhìn và tạo cho cánh đàn
ông một vẻ rắn rỏi rất thể thao, mặc dù họ thường xuyên ở tư thế nằm
ngang. Đúng thế, cái vẻ bề ngoài ăn khách ấy trong thực tế đánh lừa mắt
được khối người; các bà, mặc dù biết tỏng đấy chỉ là nước sơn nhân tạo nhờ
kỹ thuật, vẫn đủ dại khờ để nhắm mắt làm ngơ và như con thiêu thân lao
mình vào ảo tưởng, tìm một chút đam mê thỏa mãn lòng tự ái nữ tính của
mình. “Lạy Chúa!” Bà Schönfeld, một nữ bệnh nhân tóc đỏ mắt đỏ người
Berlin tối nọ đã thở ra câu ấy trong đại sảnh, nhằm vào đối tượng là một