trường hợp này liệu y còn giữ nguyên ý kiến cho rằng người ta chỉ nên coi
thể xác là thứ yếu nữa hay không...’
Chàng xuống văn phòng từ trước giờ uống trà chiều. Gian phòng mà
chàng nhắm ở cùng một cánh hành lang với phòng của chàng vẫn còn trống,
và cả chỗ ở cho bà Ziemßen cũng được thu xếp không khó khăn gì. Chàng
tức tốc đi tìm Behrens, và bắt gặp ông ta đứng trong ‘Labor’, một tay kẹp
điếu xì gà, tay kia cầm một cái ống nghiệm trong đựng ít chất nhầy màu sắc
gớm chết.
“Thưa ông cố vấn cung đình, ông biết chuyện gì chưa?” Hans Castorp mở
màn...
“Biết rồi, toàn chuyện bực mình”, vị chuyên gia lao phổi đáp. “Đây là
Rosenheim người Utrecht”, ông ta đưa điếu xì gà trỏ vào cái ống nghiệm.
“Mười độ Gaffky. Và lão chủ nhà máy Schmitz vừa mới tới làm ầm ĩ cả lên
về chuyện Rosenheim khạc nhổ tùm lum ngoài chỗ đi dạo - với mười độ
Gaffky, ông có hình dung được không. Và tôi có trách nhiệm cạo gáy y.
Nhưng hễ tôi mở miệng nói động đến là y sẽ nhảy lên đùng đùng ngay lập
tức, vì y nóng tính như lửa và gia đình y chiếm hẳn ba phòng ở đây. Tôi
không thể tống cổ y đi được, vì tôi sẽ gặp rắc rối to với ông tổng giám đốc
an dưỡng đường. Ông thấy đấy, ở đây không ngày nào không có chuyện, và
người ta cứ lôi đầu tôi ra mà gõ, mặc dù tất cả nguyện vọng của tôi chỉ là
làm sao để được hành nghề cho yên ổn mà thôi.”
“Thật chuyện chẳng đâu vào đâu”, Hans Castorp đáp bằng giọng thông
cảm của người trong cuộc đã lâu năm. “Tôi biết hai ông ấy. Schmitz chỉn
chu và mẫn cán không thể tưởng tượng được còn Rosenheim thì cẩu thả
khủng khiếp. Nhưng rất có thể đằng sau đó còn lý do nào khác nữa ngoài lý
do vệ sinh. Cả Schmitz lẫn Rosenheim đều đang muốn lấy lòng Doña Perez
người Barcelona ngồi ở bàn cô Kleefeld, chắc đấy mới là lý do chính gây ra
xung đột. Theo tôi ông cố vấn cung đình có thể lên tiếng nhắc nhở chung
mọi người phải theo đúng nội quy giữ gìn vệ sinh, còn thì nên nhắm một
mắt làm ngơ đi là hơn.”
“Thì tôi vẫn nhắm đấy chứ. Tôi nhắm chặt đến nỗi sắp mắc chứng giật mí
mắt rồi đây này. Cơn gió nào đưa ông xuống đây thế?”