Chàng không ngờ trên đời vẫn còn tồn tại những hội kín kiểu này, và ra sức
gặng hỏi tay tu sĩ khủng bố về xuất xứ và tổ chức của cái hội bí mật đầy hấp
dẫn, chỉ vài năm nữa là tròn hai trăm tuổi kia. Nếu như Settembrini khi bình
luận những nét cá tính tinh thần của Naphta sau lưng ông nọ ưa dùng giọng
cảnh cáo lâm li bi đát như thể nói đến một cái gì quỷ quái rất đáng sợ, thì
Naphta, khi không có mặt ông nọ, lại kể toạc móng heo tất cả những gì ông
ta biết và công khai giễu cợt gọi hoạt động của Settembrini là một trò hề cổ
hủ và lạc hậu: ra sức đấu tranh để khai sáng dân trí và giành một sự tự do
tinh thần đã lỗi thời, không hơn gì những bóng ma tư tưởng thảm hại, nực
cười nhất là mù quáng đến độ tự lừa dối bản thân rằng mình vẫn đang sống
trọn vẹn một cuộc đời cách mạng hào hùng. Naphta bảo: “Nhà ấy có truyền
thống tham gia hội kín, ông nội ông ta đã là thành viên hội Carbonari rồi,
tiếng Đức gọi là Hội những người đốt than đấy. Ông ta thừa kế được từ
người ông niềm tin của đám Carbonari, nêu cao những là trí tuệ, tự do, tiến
bộ và cả đống tàn dư tư tưởng đạo đức tiểu tư sản cổ điển khác. Ông biết
đấy, cái làm cho thế giới này lộn sòng là sự thiếu đồng bộ giữa tốc độ làm
việc quá nhanh của tinh thần và sự chậm chạp, lười biếng, sức ì khủng khiếp
của vật chất. Phải thú thật rằng sự lệch pha này lẽ ra đã đủ để giải thích sự
thờ ơ của tinh thần đối với thực tế, bởi theo quy luật các ý tưởng của nó đã
thối rữa từ lâu trước khi lên men sôi sục làm nổ ra các cuộc cách mạng trong
thực tế. Đúng thế, tư tưởng chết đáng kinh tởm hơn vật chất chết rất nhiều,
như đá bazan, nó chẳng bao giờ lên tiếng đòi tinh thần và cuộc sống. Những
đá bazan ấy, tàn dư của một thực tế xưa cũ, đã rơi rớt lại quá xa sau lưng
tinh thần và khước từ mọi mối liên hệ với khái niệm thực tế, nhưng vẫn trơ
trơ tồn tại và, đáng buồn thay, cùng với sự tồn tại không sinh khí thô thiển
ấy chúng tiếp tục bảo tồn sự vô nghĩa của mình mà không chịu nhìn nhận cái
vô nghĩa ấy. Tôi nói chung chung như thế, nhưng ông sẽ biết cách áp dụng
vào trường hợp tư tưởng tự do nhân đạo của con người kia, đã chết từ lâu
mà cứ tưởng mình vẫn là người hùng đấu tranh chống áp bức và thống trị.
Ối chà, lại còn những tai họa mà nó viện dẫn ra để chứng minh là mình còn
sống, những thắng lợi vẻ vang muộn màng mà nó miệt mài chuẩn bị và mơ
đến ngày được ăn mừng! Chỉ cần nghĩ đến đấy là tinh thần sống đã chán