hiện trong mắt anh ấy, chàng giật mình khi nghe mấy lời cuối ông
Settembrini hướng về phía mình, nhưng chàng chỉ làm mặt giống như hồi
ấy, khi Settembrini trịnh trọng ép chàng phải có một quyết định giữa “Đông
và Tây”: một bộ mặt bướng bỉnh kín như bưng, và im lặng. Cái gì họ cũng
bẻ bai bẻ họe ra được, hai người đàn ông bất trị này, như lẽ thường phải thế
khi người ta muốn tranh luận, và cay đắng ăn miếng trả miếng nhau đến
cùng, trong khi Hans Castorp cảm thấy ở đâu đó giữa các quan điểm cực
đoan của hai đối thủ, giữa chủ nghĩa nhân văn hùng biện và tình trạng mù
chữ man rợ, thế nào cũng phải có điều gì được người ta cảm nhận tự đáy
lòng là nhân bản và phù hợp với bản thân mình chứ. Nhưng chàng ngậm
miệng làm thinh, tránh không chọc vào hai cái tổ kiến lửa kia và, náu mình
trong sự im lặng kín đáo, chàng nhìn họ tiếp tục sa đà vào chi tiết và vô tình
tiếp tay cho nhau trong sự thù địch, đi từ phần trăm đến phần nghìn, tất cả
chỉ vì câu đùa vô hại của Settembrini về thi sĩ La Mã Virgil.
Ông ta không chịu từ bỏ ngôn từ, ông ta vung cao nó, biến nó thành người
chiến thắng. Ông ta lăn xả vào vòng đấu bảo vệ cho vị thần văn học, ca ngợi
lịch sử hình thành chữ viết từ thuở sơ khai, khi người đầu tiên nhất nảy ra ý
định vạch dấu vào đá để lưu lại kiến thức và cảm xúc của mình. Ông ta nói
về thần Thoth của người Ai Cập, đồng nhất với thần Hermes ba lần vĩ đại
của người Hy Lạp, được tôn thờ là vị thần sáng tạo ra chữ viết, bảo trợ cho
thư viện và khuyến khích mọi nỗ lực trí tuệ. Ông ta quỳ gối trong tư tưởng
trước vị thần ba lần vĩ đại này, Hermes, vị thần nhân văn, người thầy cai
quản Palaestra
, người tặng cho nhân loại món quà cao quý văn chương,
cha đẻ của các cuộc thi tài hùng biện - chi tiết này khiến Hans Castorp vọt
miệng nhận xét: thế thì nhân vật gốc gác Ai Cập đó chắc phải là một chính
trị gia và về cơ bản cũng giữ một vai trò giống như ông Brunetto Latini,
người dạy dân chúng xứ Florence cách cư xử thanh lịch, cách nói năng đúng
mực và nghệ thuật lèo lái xứ cộng hòa của họ theo các nguyên tắc chính trị -
và được Naphta dạy khôn rằng, ông Settembrini đã hơi gian lận khi vẽ ra
cho chàng một bức tranh quá sáng sủa về Thoth-Trismegistos. Bởi nhân vật
này đúng ra là vị thần của loài khỉ, của mặt trăng và linh hồn người chết,
một con khỉ độc với vầng trăng lưỡi liềm trên đầu, khi đổi tên thành Hermes