Luise Ziemßen là một phụ nữ can đảm. Bà không lăn ra kêu khóc khi nhìn
thấy con trai trong tình trạng ấy. Tác phong bình tĩnh - như mái tóc được bọc
gọn trong một cái lưới kín đáo gần như không nhìn thấy - điềm đạm và quả
quyết như bản chất người dân ở xứ bà, bà xắn tay áo nhận ngay trách nhiệm
trông nom săn sóc Joachim, biến hình ảnh tiều tụy của con thành nguồn
động lực thúc đẩy mình trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh tật, giữ vững
niềm tin sắt đá rằng, nếu còn chút hy vọng nào thì chỉ có lòng thương con và
sự tỉnh táo của bà mới có thể cứu vãn được tình thế. Vậy cho nên chắc chắn
không phải để nhẹ thân mà chủ yếu do muốn giữ thể diện nên mấy ngày sau
bà đồng ý để người ta cử một nữ y tá đến chăm sóc riêng cho con mình.
Chẳng phải ai khác mà chính cô y tá Berta, tên thật là Alfreda Schildknecht,
xuất hiện bên giường Joachim với chiếc xắc đen của mình; nhưng cả ngày
lẫn đêm cô hầu như chẳng có việc gì để làm vì sự hăng hái tận tụy đầy tình
mẹ của bà Ziemßen, và thế là cô y tá Berta có vô khối thời gian để ra đứng
ngoài hành lang, sợi dây đeo kính gài sau tai, tò mò hóng chuyện.
Cô y tá nhà thờ Tin Lành này là một sinh linh thẳng ruột ngựa. Khi còn có
một mình trong phòng với Hans Castorp và người bệnh, mặc dù bệnh nhân
không hề ngủ mà nằm ngửa mắt mở trao tráo, cô ta tỉnh bơ bảo:
“Tôi không bao giờ ngờ rằng có ngày tôi phải chăm sóc một trong hai ông
lúc chờ chết thế này.”
Hans Castorp hoảng hồn nhăn mặt giơ nắm đấm, nhưng cô ta chẳng hiểu
chàng muốn gì - có nằm mơ cô ta cũng không nảy ra ý nghĩ phải nương nhẹ
tâm lý Joachim, và đầu óc cô ta thì thực tế đến nỗi không đời nào tính đến
khả năng ai đó, nhất là một người luôn kề cận bên người bệnh như Hans
Castorp, lại còn nuôi ảo tưởng về kết cục của ca bệnh này. “Đây”, cô ta bảo,
vừa nói vừa vẩy chút nước hoa ra một tấm khăn tay để xuống dưới mũi
Joachim, “ông hãy hít vào cho dễ chịu một tí, ông thiếu úy!” Thực ra đến
giờ phút này mà còn tìm cách giấu giếm sự thật trước Joachim trung hậu thì
quả là vô lý. Chỉ có bà Ziemßen, để bớt căng thẳng, là còn nói về khả năng
bình phục của con trai bằng giọng xúc động nhưng cứng cỏi. Vì có hai điều
rõ ràng ai cũng phải nhận ra: thứ nhất là, Joachim chờ đón cái chết một cách
hoàn toàn sáng suốt, và thứ hai, chàng chấp nhận điều đó với sự thanh thản,