đây khi bị ông Settembrini hỏi tuổi, đúng thế, về mặt này chàng càng ngày
càng tệ, vì bây giờ chàng thực sự không biết mình bao nhiêu tuổi nữa!
Nghe thì có vẻ khó tin, nhưng thực ra chuyện ấy không có gì là vô lý hay
khó hiểu, trong những hoàn cảnh nhất định mỗi chúng ta bất kỳ lúc nào cũng
có thể gặp phải: khi ấy không gì có thể giúp chúng ta khỏi sa lầy vào sự vô ý
thức tuyệt đối về thời gian và về tuổi tác của chúng ta. Hiện tượng ấy xảy ra
có lẽ bởi trong cơ thể chúng ta thiếu mất một bộ phận đo đếm thời gian,
khiến cho chúng ta hoàn toàn không có khả năng tự xác định tốc độ dòng
thời gian một cách tương đối chính xác nếu không căn cứ vào các cột mốc
bên ngoài. Những người thợ mỏ bị sập hầm lò không biết đâu là ngày đâu là
đêm, khi được cứu thoát cứ tưởng thời gian chờ đợi đầy hy vọng và tuyệt
vọng của mình dưới lòng đất chỉ có ba ngày. Trong thực tế đó là mười ngày.
Người ta có thể bảo, lẽ ra trong hoàn cảnh hiểm nghèo ấy họ phải cảm thấy
thời gian dài dằng dặc mới phải chứ. Vậy mà theo đánh giá của họ nó đã rút
lại chỉ còn chưa đến một phần ba độ dài khách quan. Có vẻ như trong những
điều kiện rối loạn thất thường con người cảm thấy bất lực và hay thiên về
hướng đặc biệt rút ngắn thời gian hơn là đánh giá quá cao độ dài của nó.
Dĩ nhiên không ai chối cãi một điều rằng, Hans Castorp, nếu chàng muốn,
chỉ cần vài phép tính đơn giản là có thể thoát ngay ra khỏi tình trạng không
minh bạch ấy một cách chẳng khó khăn gì, cũng như quý độc giả, với một
chút cố gắng có thể làm sáng rõ tình hình, nếu sự mơ hồ rối trí của chàng
không vừa ý họ. Về phần Hans Castorp, có lẽ bản thân chàng cũng không
sung sướng gì đâu, có lẽ chàng cũng áy náy vì chẳng chịu bỏ công tìm cách
thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ ấy và làm sáng tỏ vấn đề, để biết từ khi ở trên
này chàng đã thêm mấy cái xuân xanh; nhưng một sự ngại ngần phát xuất tự
lương tâm đã ngăn cản chàng làm việc đó - mặc dù lẽ ra không thèm đếm
xỉa đến thời gian phải gọi là sự vô lương tâm tệ hại nhất mới đúng.
Chúng tôi không biết có nên coi đó là một yếu tố thanh minh cho Hans
Castorp hay không, vì mọi sự diễn ra quá thuận lợi cho sự thiếu thiện chí -
nếu không muốn nói là ác ý - của chàng. Khi Madame Chauchat quay trở lại
(khác hẳn mọi trông đợi trong những giấc mơ của Hans Castorp - nhưng giờ
nào việc ấy, đến lúc đó chúng tôi sẽ kể hầu quý vị), trên này người ta đã vào