NÚI THẦN - Trang 797

của thành ngữ này, mà bị giày vò trong một tình yêu cấm đoán, không có
tương lai và không thể ca ngợi bằng một bài hát dân gian mộc mạc dưới
đồng bằng - có thể nói tình yêu dữ dội khiến chàng mất hết độc lập tự chủ và
trở thành một người nô lệ đau khổ. Nhưng chàng trai ấy, trong thân phận nô
lệ vẫn đủ tinh khôn để nhận biết và bảo tồn giá trị sự dâng hiến của bản thân,
một giá trị mà, như chàng tự nhủ với trái tim tan nát, nữ bệnh nhân có bước
chân rón rén và cặp mắt Tatar mê hoặc lòng người chắc chắn phải nhận ra
qua thái độ ác cảm công khai không cần giấu giếm ông Settembrini dành
cho cô ta: ông này luôn tỏ vẻ lạnh lùng xa lánh cô tới hết mức độ mà sự lịch
thiệp của một con người nhân văn cho phép. Điều tệ hại - hay theo cách
đánh giá của Hans Castorp, điều đáng mừng - là quan hệ của cô ta với Leo
Naphta, mối quan hệ mà cô ta đã đặt vào rất nhiều hy vọng, cũng không
mang lại sự đền bù như mong đợi. Đành rằng ở đây cô ta không gặp phải
thái độ hắt hủi tuyệt đối như nơi ông Lodovico, và họ bắt chuyện cũng dễ
dàng hơn: thỉnh thoảng họ còn tranh luận, Clawdia và người đàn ông bé nhỏ
sắc như dao, về sách vở, về các vấn đề chính trị và triết học, phát hiện ra
trong quan điểm cực đoan của cả hai có nhiều điểm tương đồng; và đôi khi
Hans Castorp cũng tham gia đóng góp với sự ngây thơ cố hữu của mình.
Nhưng Madame Chauchat không thể không nhận thấy thái độ kênh kiệu
ngấm ngầm con người mới ngoi lên tầng lớp trên kia dành cho mình, như
mọi gã nhà giàu mới nổi, ông ta cẩn thận giữ khoảng cách với cô nàng; hơn
nữa về cơ bản tinh thần khủng bố Tây Ban Nha của ông ta khó lòng chung
sống với quan niệm “nhăn ái” và thói quen để sập cửa của cô ta; cuối cùng
và tế nhị nhất là một làn gió thù địch khó nắm bắt mà cô ta cảm nhận được
nhờ bản năng nữ giới (chàng hiệp sĩ đêm hội hóa trang của cô ta cũng đã
tinh ý nhận ra), thổi tới từ cả hai phía Settembrini và Naphta, có nguồn gốc
từ mối quan tâm mang tính sư phạm của hai địch thủ tinh thần này đối với
Hans Castorp: đó là sự tức tối của người thầy đối với người đàn bà gây
nhiễu và làm xao lãng học trò của họ, mối thù chung không nói ra lời ấy
mạnh hơn cả mối bất hòa dai dẳng giữa họ và liên kết họ lại với nhau.

Thái độ thù địch này có thể hiện ra trong cách cư xử của hai nhà hùng

biện với Pieter Peeperkorn không? Hans Castorp tin rằng có, nhưng cũng có

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.