Ông ta đột ngột kêu lên. “Nhìn xem ai thế kia! Các phán quan trông coi địa
ngục của chúng ta đang tản bộ! Ngoạn mục chưa!”
Ba người đã đi hết khúc quanh của quãng đường về. Chẳng biết nhờ câu
chuyện làm quà của Settembrini, nhờ xuống dốc hay thực ra họ chưa hề đi
xa khỏi viện điều dưỡng như cảm tưởng của Hans Castorp, vì con đường ta
đi lần đầu tiên thường có vẻ dài hơn vẫn con đường ấy nhưng đã quen chân:
có một điều chắc chắn là đường về nhanh đến mức làm chàng kinh ngạc.
Settembrini không lầm, đúng là hai ông bác sĩ đang đi dọc bãi đất trống
đằng sau viện an dưỡng, ông cố vấn cung đình trong chiếc áo choàng trắng
đi trước với cần cổ vươn dài và hai bàn tay bươn chải như mái chèo, bác sĩ
Krokowski trang phục đen ngòm theo sát gót, láo liêng nhìn ngó xung
quanh, tự tin hơn hẳn thái độ phục tùng miễn cưỡng lúc theo sếp đi thăm
bệnh.
“A, Krokowski!” Settembrini reo lên. “Ông ta là một cái tủ biết đi trong
chứa mọi bí mật của các quý bà. Xin hãy lưu ý đến ngụ ý kín đáo của trang
phục ông ta mặc. Ông ta chọn màu đen để ám chỉ rằng lĩnh vực nghiên cứu
của mình là đêm tối. Thằng cha này chỉ có trong đầu một ý nghĩ duy nhất, và
đó là một ý nghĩ bẩn thỉu. Ông kỹ sư, tại sao từ nãy tới giờ chúng ta lại chưa
nói một lời nào về nhân vật này thế nhỉ! Ông cũng đã làm quen với y rồi
phải không?” Hans Castorp đáp phải.
“Ông thấy y thế nào? Tôi bắt đầu lo rằng ông cũng mến mộ y.”
“Thực tình tôi không biết, ông Settembrini. Tôi mới chỉ gặp ông ta thoáng
qua một lát thôi. Vả lại tôi cũng không thuộc loại người vội vàng khi đánh
giá. Tôi ưa bình tĩnh quan sát người ta và tự nhủ: à, ra là anh như vậy đó?
Hẵng biết thế đã.”
“Như thế là ù lì!” Ông người Ý phản bác. “Ông hãy tự mình đánh giá sự
vật! Thiên nhiên trang bị cho ta đôi mắt và trí khôn để làm gì. Ông cho rằng
tôi là kẻ ác khẩu, nhưng tôi hành động như vậy không ngoài mục đích giáo
dục. Những người theo chủ nghĩa nhân văn chúng tôi đều mang trong mình
thiên hướng sư phạm… Thưa các vị, mối quan hệ lịch sử giữa nhân văn và
sư phạm có một chiều sâu tâm lý. Không nên tước đi chức năng sư phạm
của một văn nhân - không thể tách rời điều đó ra khỏi họ, vì chỉ có thông