qua họ nhân phẩm và vẻ đẹp của con người mới được lưu truyền. Ở một thời
điểm lịch sử họ đã tiếp thu nhiệm vụ giáo dục từ tay giới tăng lữ, là những
kẻ kiêu căng tự giành lấy trách nhiệm dẫn dắt thế hệ trẻ trong thời kỳ đen tối
thù địch nhất với nhân loại. Từ bấy đến nay, thưa các vị, chưa có một hình
mẫu sư phạm mới nào khác ra đời để thay thế họ. Việc lập ra các trường
trung học nhân văn
- ông cứ việc gọi tôi là phản động, ông kỹ sư, nhưng
xin các ông hiểu đúng ý tôi, về căn bản, về mặt tinh thần tôi vẫn là một
người ủng hộ trào lưu này…”
Vào đến thang máy ông ta vẫn còn thao thao bất tuyệt, và chỉ ngậm miệng
khi hai anh em ra khỏi thang máy ở tầng ba. Bản thân ông ta đi tiếp lên tầng
bốn, Joachim kể rằng trên ấy ông ta ở trong một phòng xép nhỏ trông ra phía
sau.
“Chắc ông ta không có tiền?” Hans Castorp hỏi trong lúc lót tót đi theo
Joachim về phòng. Phòng Joachim trông chẳng khác gì phòng chàng.
“Ừ”, Joachim trả lời, “có vẻ như ông ta không có tài sản gì. Hoặc là chỉ có
vừa đủ để trang trải một cách tùng tiệm ở đây. Ông cụ thân sinh ra ông ta
cũng là văn sĩ, cậu biết không, và hình như cả ông nội ông ta nữa.”
“Ra thế”, Hans Castorp bảo. “Bệnh ông ta có nặng lắm không?”
“Theo như tớ được biết thì không đến mức nguy hiểm, nhưng mà dai
dẳng và cứ tái phát liên tục. Ông ấy ở đây nhiều năm rồi, đã có lúc được ra
viện nhưng chẳng bao lâu sau lại phải quay trở lên.”
“Tội nghiệp quá nhỉ! Nhất là ông ta lại tỏ ra yêu lao động đến thế. Mà ông
ta lắm lời đến phát khiếp, chuyện nọ xọ chuyện kia cứ dễ như không. Có
điều với cô bé gặp ngoài đường ông ta chớt nhả quá, tớ vẫn còn hơi ngượng.
Nhưng những điều ông ta phát biểu sau đó về nhân phẩm con người thì thật
hùng hồn, không khác gì một bài diễn văn. Cậu có thân với ông ta không?”