“Lúc người ta phải để ý tính thời gian thì nó trôi đi rất chậm. Thực ra tớ
rất thích những lúc đo nhiệt độ thế này, bốn lần một ngày, vì chỉ những lúc
ấy người ta mới tính được đúng thời gian: mỗi một phút hay thậm chí cả bảy
phút đồng hồ, còn ngoài ra ở đây bảy ngày trong tuần vèo cái là trôi đi mất.”
“Cậu bảo là ‘tính được đúng thời gian’. Nhưng không thể nào nói là
‘đúng’ được”, Hans Castorp cãi. Chàng ngồi gác đùi lên lan can, lòng trắng
con mắt vằn lên tia máu đỏ. “Thời gian không thể nào tính ‘đúng’ được. Một
người có thể cảm thấy nó trôi đi nhanh, thì nó nhanh, người khác thấy nó
trôi chậm, thì nó chậm, nhưng liệu trên thực tế nó nhanh hay chậm thì không
ai có thể biết được.” Rõ ràng chàng không quen triết lý, nhưng lại cảm thấy
có nhu cầu phải nói.
Joachim không đồng ý.
“Sao lại thế? Không. Thời gian đo được kia mà. Đã có đồng hồ và lịch, và
nếu một tháng trôi qua thì đối với cậu và với tớ và với tất cả mọi người đều
đã hết một tháng.”
“Cậu chú ý nhé”, Hans Castorp bảo và thậm chí còn giơ một ngón tay trỏ
lên gần cặp mắt đỏ ngầu. “Một phút dài đúng như cậu cảm thấy lúc cậu đo
nhiệt độ, phải không?”
“Một phút dài… nó dài đúng như thời gian chiếc kim giây chạy một vòng
quanh mặt đồng hồ.”
“Nhưng chiếc kim giây ấy chạy lúc nhanh lúc chậm khác nhau - tùy cảm
nhận của mỗi người! Và trên thực tế… tớ nhấn mạnh là: trên thực tế”, Hans
Castorp lặp lại và ấn ngón tay trỏ lên đầu mũi mạnh đến nỗi nó cong gập
xuống, “đó là một chuyển động, một chuyển động trong không gian, phải
không? Khoan, gượm đã! Vậy là chúng ta đo thời gian bằng không gian.
Nhưng như vậy cũng chẳng khác gì đi đo không gian bằng thời gian, một
việc mà chỉ những người không hiểu gì về khoa học mới làm. Từ Hamburg
đến Davos là hai mươi giờ đồng hồ, đúng, nếu ta đi xe lửa. Nhưng nếu ta đi
bộ thì quãng đường ấy sẽ dài như thế nào? Và trong ý nghĩ thì sao? Không
mất đến một giây!”
“Này”, Joachim bảo, “hôm nay sao cậu lạ quá? Trên này làm cậu rối trí
rồi hay sao?”