“Đúng thế”, ông Settembrini đáp và ngước mắt ném một cái nhìn nhanh
lên phía chàng, sau đó quay ngay đi và tựa đầu vào tay.
“Ông có nhận lời không?” Wehsal muốn biết.
“Ông còn phải hỏi?” Settembrini trả lời và cũng nhìn y một thoáng...
“Thưa các ông”, cuối cùng ông ta nói tiếp, và nhổm dậy, đã hoàn toàn lấy lại
tự chủ, “tôi rất tiếc là chuyến đi chơi của chúng ta lại kết thúc như vậy,
nhưng ai cũng phải tính đến những sự cố thế này trong đời. Trên lý thuyết
tôi không tán thành quyết đấu, tôi là người tôn trọng luật pháp. Nhưng trên
thực tế lại là chuyện khác. Có những tình huống, khi - ngược lại, có những...
Tóm lại, tôi nhận lời thách đấu của ông ta. Rất hay là hồi còn trẻ tôi có đấu
kiếm chút đỉnh. Vài tiếng đồng hồ tập luyện, và cổ tay tôi sẽ mềm dẻo trở
lại. Chúng ta đi thôi! Mọi chuyện rồi đâu sẽ có đó. Tôi đồ rằng quý ông kia
đã ra lệnh thắng ngựa vào xe rồi.”
Hans Castorp, trên đường về và cả sau đó, có những khoảnh khắc cảm
thấy đất dưới chân chao đảo vì tính chất kinh khủng của sự kiện sắp xảy ra,
nhất là khi mọi người vỡ lẽ ra rằng Naphta không muốn nghe nói đến gươm
kiếm gì hết, mà khăng khăng đòi đấu súng. Và theo nguyên tắc thách đấu
đúng là ông ta có quyền chọn vũ khí, vì ông ta là người bị xúc phạm. Cũng
có những giây phút, theo ý chúng tôi, khi chàng trai trẻ có thể giải phóng
phần nào trí tuệ của mình khỏi tình trạng hỗn độn và mờ mịt do những kích
động nội tâm chung, chàng đã tự bảo mình rằng đây quả là một sự điên rồ và
rằng cần phải ngăn chặn không cho nó xảy ra.
“Nếu mà có một sự xúc phạm thực sự thì tôi không nói làm gì!” Chàng
kêu lên trong khi bàn bạc với Settembrini, Ferge và Wehsal - gã người
Mannheim trên đường về đã được Naphta chiêu dụ làm người phụ tá cho
ông ta trong cuộc thách đấu và chịu trách nhiệm liên lạc giữa đôi bên. “Nếu
đó là một vụ tai tiếng thông thường trong xã hội thì còn hiểu được! Nếu một
người bôi nhọ thanh danh của người kia, nếu trong chuyện này có dính líu
đến một người đàn bà, hay vì bất kỳ lý do thực tế và đời thường nào đó, mà
người ta không thấy có cách nào khác để bồi hoàn danh dự kia! Tôi đồng ý
là trong những trường hợp ấy thì thách đấu là biện pháp cuối cùng, nếu sau
đó danh dự được phục hồi mà không có thiệt hại gì lớn lắm, tức là đôi bên