đến lúc nở hoa, nhưng ít nhất cái cây ấy cũng đã cao vọt lên - Hans Castorp
không nhìn thấy nó lớn lên, nhưng một hôm chàng chợt nhận ra. Tuy nhiên
cũng phải nói thêm rằng thời gian và sự tăng trưởng chiều cao không đem
lại điều gì tốt đẹp cho cậu thanh niên Teddy. Cậu hưởng tuổi thanh xuân
không được bao lâu - năm hai mươi mốt tuổi cậu từ giã cõi đời vì căn bệnh
mà cơ thể cậu có hứng thú tiếp nhận, và phòng của cậu được người ta dọn
dẹp tẩy uế. Chúng tôi không quá xúc động khi thuật lại chuyện này, vì thực
ra không có gì khác biệt lắm giữa tình trạng mới của cậu và tình trạng từ
trước tới nay.
Nhưng có những cái chết quan trọng hơn, xảy ra ở dưới đồng bằng, có tác
động mạnh hơn đến nhân vật chính của chúng ta - hay nói đúng ra là trước
kia có thể tác động mạnh hơn đến chàng. Chúng tôi muốn nói tới ông lãnh
sự già Tienappel, ông trẻ đồng thời là cha đỡ đầu của Hans ở một thời xa
vắng, người vừa mới qua đời. Ông ta đã cẩn thận tránh những môi trường áp
suất khí quyển không phù hợp và đùn đẩy cậu James đi thay mình, khiến cậu
mất mặt ở trên đó; nhưng có cẩn thận cách nào ông ta cũng không thể tránh
mãi được chứng đột quỵ, và bức điện tín ngắn gọn với những lời lẽ nhẹ
nhàng và tế nhị về sự ra đi của ông ta - nhẹ nhàng và tế nhị vì chiếu cố đến
người đã mất hơn là đến người nhận tin - một ngày nọ đến tay Hans Castorp
khi chàng đang nằm trên chiếc ghế tuyệt hảo của mình. Chàng mua giấy
viền đen và viết một lá thư cho người cậu kiêm anh họ ở dưới đồng bằng,
rằng chàng, đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, giờ đây tự thấy mình lại mồ côi
thêm một lần nữa, và rằng chàng càng cảm thấy đau lòng hơn vì hoàn cảnh
không cho phép chàng rời khỏi nơi điều trị để tiễn đưa ông trẻ chàng về
chốn an nghỉ cuối cùng.
Nói rằng chàng tiếc thương thì có lẽ hơi quá, nhưng trong những ngày này
ít nhất ánh mắt chàng cũng lộ vẻ đăm chiêu hơn thường lệ. Cái chết này, về
mặt tình cảm trước đây cũng đã chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với chàng, sau
bao năm xa mặt cách lòng càng tiệm cận về không, nhưng trong chàng như
đứt phựt thêm một mối dây liên kết, một mối quan hệ với dưới kia, giải thoát
hoàn toàn cho cái mà Hans Castorp gọi một cách rất có lý là tự do. Trong
thực tế ở vào thời điểm muộn màng mà chúng tôi đang nói đến ở đây mọi