đặc biệt vào Hoa Kỳ, nhằm khám phá các biên giới mới trong mọi lĩnh
vực khoa học tự nhiên và nhân văn, kể cả thần học.
Đại học này là ‘bà
mẹ’ của các đại học hiện đại trên thế giới, và giúp cho cuộc cách mạng
khoa học cất cánh. Đến 1850 hầu hết các đại học Đức hoàn toàn được
biến thành đại học nghiên cứu. Nghiên cứu đại học đã trở thành mệnh
lệnh. Mệnh lệnh nghiên cứu (research imperative) tổ chức lại toàn bộ đại
học, như tăng cường xuất bản tạp chí, trang bị cơ sở hạ tầng tri thức như
thư viện, phòng thí nghiệm, phát triển hình thức semina, và hướng giảng
dạy vào phương pháp nghiên cứu. Các người thầy phải là những nhà
nghiên cứu, và truyền lửa cho sinh viên. Tìm ra cái mới, độc đáo, là khẩu
hiệu của giới tinh hoa đại học. Nếu đại học thế kỷ 18 chỉ chú ý “bảo tồn
và chuyển giao”, thì đại học thế kỷ 19 tập trung vào khai phá, sáng tạo.
“Ai muốn bước vào nghề học thuật, thì phải chịu sự đòi hỏi không chỉ học
kiến thức đã có, mà phải có năng lực sáng tạo ra tri thức mới từ hoạt động
độc lập của mình” như nhà triết học và giáo dục Friedrich Paulsen viết.
Sau 1860 Đại học nghiên cứu Đức bắt đầu chinh phục thế giới, nhất là
Hoa Kỳ.
Đại học cải cách Đức không dựa trên nhu cầu trước mắt của kỹ thuật,
tính công lợi, hữu dụng của Bacon, trừ ngành hóa nông nghiệp nhằm giải
quyết các cuộc khủng hoảng lương thực. Khoa học là thuần túy, và bao
trùm. Khoa học tự nó là cứu cánh, và diễn ra chuyên nghiệp trong đại học
cải cách, không phải ở ngoài như ở Anh và Pháp thường diễn ra. Nghiên
cứu khoa học cơ bản đã trở thành ý thức hệ, Wissenschaftsideologie.
“Những cột trụ (của cuộc đổi mới tinh thần, triết học và lý thuyết) có thể
gom lại thành một từ ‘ý thức hệ khoa học’. Quan niệm mới này phát triển
đưa đến những thành công chưa hề có trong những năm sau khi Đại học
Berlin ra đời. Nó trở thành ý thức hệ chính thức của các đại học Đức
trong thế kỷ 19, được gắn thêm tính tôn giáo đáng kính sợ” như một nhà
nghiên cứu Mỹ mô tả (R. Steven Turner). Ý thức hệ khoa học vinh danh
khám phá và sáng tạo. Cuộc đổi mới đại học đã nhanh chóng đổi đời cuộc
sống trí thức của Phổ.
Người Đức có một pathos - đam mê và ngưỡng mộ - đặc biệt đối với
Wissenschaft, khoa học và học thuật. Khoa học tự nó là một tiếng gọi độc