lập. Họ ý thức về sức mạnh mới chưa từng thấy của khoa học, giúp con
người vươn lên khai phá, và tạo được sự công nhận và độc lập đối với
quyền thế. Khoa học có vị trí gần như tôn giáo. ‘Ai có khoa học và nghệ
thuật, người đó có tôn giáo. Ai không có cả hai, người đó cần tôn giáo”
như Goethe nói. Khoa học và học thuật có một hào quang đặc biệt và
được thánh hóa. ‘Đền thờ của khoa học’, hay nhà nghiên cứu tự nhiên như
một ‘tu sĩ’, đó là ngôn ngữ thường nghe.
Ngay từ năm 1822, Hội nghị của những nhà nghiên cứu tự nhiên được
gọi là một ‘Hội đồng của Thời đại sắp đến’. Năm 1860 Virchow tuyên bố,
khoa học đã bước vào ‘vai trò của nhà thờ’, và năm 1865: “Khoa học đối
với chúng tôi đã trở thành tôn giáo”. Một số nhà khoa học muốn lấy khoa
học làm cơ sở của thế giới giới quan, Weltanschauung. Theo họ, khoa học
không những giải phóng con người ra khỏi siêu quyền lực của tự nhiên,
tạo ra giàu có và sức khỏe, mà còn có thể làm cho con người, dân tộc và
xã hội tự do hơn, thực hơn và đạo đức hơn. Virchow nói đến những ‘hệ
quả cộng hòa’ của khoa học, và giải thích đạo đức khoa học, tư duy không
cần quyền lực, mô hình trong thiên nhiên cũng như những mô hình chọ
chính trị và xã hội. Vì thế những nhà khoa học tự nhiên là những ‘linh
mục của tự do’. Einstein còn nhận xét trong thế kỷ 20: “Quý vị sẽ không
tìm thấy một đầu óc khoa học tư duy sâu xa nào mà không có một tính tôn
giáo đặc thù trong đó.” Dĩ nhiên tính tôn giáo ở đây có ý nghĩa cao hơn
nghĩa đời thường. Còn Max Planck phát biểu trong những giờ phút rối
rắm nhất trước khi quan niệm lượng tử ra đời: “Ai dấn thân nghiêm túc
vào một lao động khoa học bất cứ loại nào đều nhận ra rằng trên cổng vào
đền thờ khoa học có viết mấy chữ: Hãy có đức tin!”
Người Đức cũng có một pathos đặc biệt đối với lao động. Lao động
không phải là nhiệm vụ, mà là nhu cầu của cuộc sống (Lebensbedürfnis)
và niềm vui. Mục đích của cuộc đời con người chưa phải là ‘hạnh phúc’,
mà là sự thực hiện các tiềm năng của anh ta nhiều hơn.
Triết lý cải cách giáo dục từ hệ trung học đến hệ đại học của Phổ, dưới
sự chủ trì của Wilhelm von Humboldt, nhìn kỹ, có tính chất ‘đi ngược’
tinh thần thời đại, vì nó chủ trương một loại trường trung học nhân văn,
và một đại học nghiên cứu nhấn mạnh khoa học thuần túy và văn hóa, khi