mà ở đó con người muốn có đầy đủ tự do để sáng tạo. Vì thế, cũng dễ
hiểu vì sao các nhà tân nhân văn Đức thế kỷ 19 đã chọn Hy Lạp làm hình
mẫu để phát triển con người toàn diện cho một thời đại mới, vì Hy Lạp
chính là dân tộc đã sáng tạo ra văn hóa rực rỡ, triết học, khoa học và nghệ
thuật cho nhân loại, một dân tộc có nhiều tự do nhất, chứ không phải La
Mã. Chính ý tưởng trên đã kết tinh lại trong mô hình giáo dục Đức của
Humboldt từ cấp Trung học đến cấp Đại học. Dù rằng Hy Lạp có thua
Sparta, thua Macedon, và tan rã, nhưng văn hóa Hy Lạp sau đó đã lan tỏa
thành thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenism) trên đế chế mà Alexander Đại đế
đã để lại, và hơn 2000 năm sau, văn hóa của dân tộc đó vẫn tiếp tục tỏa
sáng và làm giàu cho văn hóa thế giới. Người Đức tôn sùng văn hóa như
một tôn giáo, Kulturreligion. Vì thế văn hóa Đức đã có sức hút người Do
Thái mãnh liệt. Hai dân tộc này thật sự có một sự gần nhau trong bản
chất, một ‘dân tộc của văn hóa’, và một ‘dân tộc của quyển sách’.
Rồi giống như Hy Lạp, khi tiêu vong như một chủ thể chính trị lớn, nền
văn hóa Đức lan tỏa đến nhiều vùng trên địa cầu, đặc biệt Mỹ, trong các
ngành khoa học tinh thần lẫn khoa học tự nhiên, điều Goethe cũng đã
từng tiên đoán. Cả hai dân tộc Mỹ, Đức, người chiến thắng, và kẻ chiến
bại, nói vui, sau Thế chiến II đều bị ‘cải tạo’, dân tộc Đức về chính trị đã
đành, mà nước Mỹ cũng thế, về văn hóa, dưới ảnh hưởng to lớn của dòng
người trí thức tị nạn khổng lồ từ Đức, Áo và châu Âu. Đó là ‘Đế chế thứ
tư’, như người ta ví vui, ảnh hưởng đến ‘de-provincialization’, kéo tinh
thần Mỹ ra khỏi tỉnh lẻ, như từ của Anthony Heilbut. Khi Abraham
Flexner, nhà sáng lập Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, được hỏi ai là
‘ân nhân lớn nhất’ của Viện, đã không ngẩn ngại trả lời: ‘Adolf Hitler’.
Tương tự, giám đốc Walter Cook của Viện nghệ thuật tạo hình (Institute
of Fine Arts, IFA) ở New York, nơi ảnh hưởng của những người di tản
Đức trong lĩnh vực lịch sử khoa học mạnh nhất, cũng thường nói: “Hitler
là người bạn tốt nhất của tôi; ông ta rung cây, và tôi nhặt những quả táo
rụng.” Về ảnh hưởng của khoa học Đức, thư ký chiến tranh Sir Ian Jacobs
của Churchill trong thời chiến, đã phát biểu rằng: “Đồng minh đã thắng
chiến tranh (thế giới thứ hai) bởi vì những nhà khoa học Đức của chúng ta
giỏi hơn các nhà khoa học Đức của họ.” Nhà triết học Mỹ Allan Bloom