gian lao của cuộc hành trình bốn trăm cây số trong chiến tranh. Em nghĩ
rằng trong bất cứ cuộc chia ly nào, nữ giới cũng đau khổ hơn... Ngày mai
em lên đường. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe, mùa này gần sáng hơi lạnh, chỗ
anh lại gần rừng, đêm nhớ đắp bụng kẻo lạnh". Chỉ có thế! Hàng dưới sau
chữ "Thân ái" có hai chữ ký Hà Thanh rất rõ. Tất nhiên, Thanh từ giã tôi
thật thanh thản. Để lại tôi vật lộn với sự khắc nghiệt của thời gian. Tuy
nhiên câu cuối cùng như lửa nóng đã sưởi ấm lòng tôi trong nhiều chặng
đường từ đó đến nay, giữ nguyên ở lòng tôi một niềm quý mến trân trọng.
- Giá như bây giờ anh gặp cô ấy thì cũng có ích lợi gì cho nhau đâu?
Tất cả đủ rồi! - Tôi lại nói chen vào lời Hân.
- Chắc anh biết bây giờ cô ấy ở đâu? Chả nhẽ người trong xóm lại
không biết? Lâu nay tôi cứ muốn biết tin cô ấy, muốn biết phần tiếp cuộc
đời một con người biết coi trọng giá trị cái thật. Tôi còn muốn nói với cô ấy
những điều chiêm nghiệm của tôi: Chính nhờ cô ấy, tôi đã nhìn rõ con
người một thời của mình.
Thật ra, tôi biết Hà Thanh ở đâu. (Hết mấy năm thanh niên xung
phong ở Trường Sơn, Thanh đi học đại học, nay là hiệu trưởng một trường
trung học). Nhưng Hân gặp Thanh để làm gì nhỉ, có ích gì cho hai người
không? Tôi nhắc lại với Hân một lần nữa là không thể biết được Hà Thanh
ở đâu, nhưng ngay lúc đó tôi đã biết mình lỡ lời và phải hối hận. Tại sao tôi
lại phải lo sợ cho họ, chính hai người, cũng như tất cả chúng ta đều có đầy
đủ trách nhiệm trước cuộc đời cả. Tôi có quyền gì để chi phối họ? Hay
chính tôi cũng nhận ra mình đang còn nhiễm nặng cái thói mà Hà Thanh
căm ghét?