ngồi ngay vào mâm với sự đón tiếp nồng hậu của mẹ con tôi. Không cần
phải mời ông uống nước bởi vì nếu ông khát thì ông đã tu hẳn một cốc rồi.
Nói chung, ông là người thành phố của những năm bảy mươi khi đô
thị hóa đã đi vài bước đầu tiên, đó là chặng hòa bình sau chống Pháp thắng
lợi, rồi tiếp đến chặng những năm đầu sáu mươi khi các nhà máy và các Bộ
được thành lập, ông đưa luôn cả tính hồn nhiên chất phác rất đáng yêu đáng
trân trọng của đồng quê đến với đô thị. Ông vốn là lính mang lon trung tá
hay thiếu tá gì đó, chuyển ngành về làm chánh văn phòng Ủy ban quận. Vợ
ông cùng cơ quan tôi, trông coi thư viện, lại là người đàn bà rất đàn bà, có
duyên, mũm mĩm, trắng trẻo, đôi mắt luôn luôn ướt, luôn luôn gợi, đàn ông
nhìn thấy chị mặt chợt dại đi như người bị trúng gió.
Ông cựu trung tá chánh văn phòng Ủy ban nhân dân quận, người hàng
xóm hồn nhiên vĩ đại như cây cỏ của tôi, lạ kỳ lại là người mà ai ai cũng
cho là dễ thương nhất. Ai trọng ông hay dè bỉu ông, dường như là không hề
khác nhau trong con mắt ông. Còn nhà ông Nhung, người mà luôn luôn tự
xưng là lão thành cách mạng và gia đình thượng lưu trí thức vì khi chúng
tôi mới cán sự ba, bốn thì lão đã chuyên viên hai, vợ vênh váo đi mua thực
phẩm ở cửa hàng phố Nhà Thờ, con riêng vợ lão và con rể không phải đi
đánh giặc mà đi Tây, bao giờ cũng nhìn ông Văn bằng nửa con mắt, đồ nhà
quê, đồ thô kệch ăn thì nhồm nhoàm, tóp tép, đến nhà không gõ cửa, cởi
trần ra phố, thật là quê không chịu được. Hoặc ông Chu bà Khang và cả tôi
nữa rất quý ông vì tính chất phác hồn nhiên của ông thì ông Văn vẫn bình
thường thế thôi. Hình như ông hồn nhiên đến mức không nhận ra thái độ
từng người đối với ông khác nhau hay sao, hay ông bất cần, ông không coi
ai khinh ghét, ai thương mến ông là cái cóc khô gì cả. Ôi chao, nếu ông đạt
đến phương thức ứng xử với đời như thế thì ông là Thánh, là bậc vĩ nhân
chứ không còn là người thường nữa.
Nhưng có lẽ theo xét đoán của tôi thì ông Văn không phải là người
ngộ được như vậy, cái sự coi người đời yêu mình hay ghét mình là chuyện