vặt, không đáng để ý cũng là nét hồn nhiên, tự nhiên trong ông, trong bản
chất người nông dân ở ông mà thôi. Từ ngày ông mới là hàng xóm láng
giềng của tôi, ông vẫn cởi trần sang nhà, vẫn không đợi chủ nhà phải mời
uống nước mới uống, mới bước vào cửa, từ ngày đó ông đã hỏi, cô cơm
nước gì chưa, chục năm sau vẫn cô cơm nước gì chưa. Nhà ông Nhung có
coi thường ông, nhưng không ghét ông, và mọi người trong khu tập thể
không có ai ghét ông, thậm chí cũng không có ai căm thù ông như kiểu xúc
đất đổ đi, không thèm nhìn mặt nhau. Song khổ nỗi cũng không ai quý mến
ông, trọng vọng ông, nói chung ông là người mà thiên hạ không yêu và
không ghét, có ông trong khu cũng thế mà vắng ông đến hàng năm cũng
không cảm thấy thiếu vắng. Thường thế là những người xa cách với mọi
người nhưng không phải, với ông Văn có thể nói là ông thân mật gần gũi
với mọi nhà, thậm chí là xuề xòa dễ dãi, ông có chức tước đấy mà không
quan cách, hơn mọi người mà không tỏ ra bề trên. Nói đúng ra ông rất tiêu
biểu cho một loại cán bộ một thời, vừa hiện hữu vừa như không hề hiện
hữu, không hại ai bao giờ mà cũng không có ích cho ai bao giờ.
- Cô đã cơm nước gì chưa?
Ông Văn hồn nhiên đến nỗi không cảm thấy sự nhàm chán trong câu
hỏi công thức của ông. Hôm qua hôm kia đã vậy mà mười năm trước cũng
vậy. Tội nghiệp mà cũng có thể là sung sướng thay cho những ai không ý
thức được sự nhàm chán, nhạt nhẽo, vô vị ở ngay chính bản thân mình.
Đã lâu nghe câu hỏi ấy tôi không phải trả lời ông, vả lại, dường như
ông cũng không cần tôi trả lời. Với ông đó chỉ như một ký hiệu báo với chủ
nhà là ông đã tới, giống như tiếng chuông reo, tiếng kẹt cửa, chủ nhà biết là
được, không cần vồn vã, không cần ngừng công việc để nói chuyện và cũng
không cần phải pha chè rót nước mời. Không, mọi lễ nghi cho phép lược
bớt cho đến tối thiểu hoặc như bỏ hết cũng chẳng sao. Ông Văn là người
cao cả, dễ dãi như vậy, không biết hoặc không thèm chấp nhặt những tiểu
tiết có thể có ai đó thiếu sót với ông.