- Tôi gác cua.
Lão im lặng, có vẻ không hiểu.
- Anh có biết gác cua là gì không?
"Bác" đã thành "anh", chốc nữa Thu sẽ gọi lão bằng "cụ". Cô cũng
không biết mình bày ra cái trò ấy để làm gì.
- Không biết, - lão nói. - Công việc của bộ đội thì tôi mù tịt.
- Thế mấy năm chiến tranh anh ở đâu?
- Tôi không hề biết gì về chiến tranh, - lão nói trơn tuột. - Mấy năm
đầu chiến tranh tôi sơ tán lên tận Lạng Sơn. Mấy năm sau, chiến tranh ác
liệt lan ra cả nước, tôi được phân công công tác ở nước ngoài.
- Tuyệt vời!
- Vâng. Bảy sáu tôi về nước và công tác ở Sài Gòn. Tám lăm tôi về Bộ
làm thứ trưởng.
- Tức là sau hòa bình, cụ phải đi "bê" một thời gian.
Lão hiểu chữ "bê" nên mặt lão tối lại.
Thu chợt buồn rũ ra. Tôi không hề biết gì về... Thu nhắc lại không nổi,
mà ông ta, nói được trơn tuột. Ngôn ngữ giống người. Trơn tru, mập mạp,
nhẵn bóng và xanh đỏ thêm vẻ quan trọng của kẻ hãnh tiến.
- Trên đường Trường Sơn có những cái ngầm, những cái cua cheo leo
và độc đạo, máy bay địch nhằm vào những chỗ xung yếu ấy để đánh.
Người gác cua là người đứng đó suốt ngày đêm để báo động máy bay cho
các đoàn xe, báo tắc đường, báo bom phá hỏng đường ở đâu, báo những
quả bom nổ chậm còn lại.