một chiến thắng rực rỡ đã được ăn mừng ầm ĩ ở Tokyo. Bị tấn công bất ngờ,
hàng chục tàu chiến lừng danh nhất của hạm đội Mỹ đã bị dìm xuống biển
sâu và một số lượng lớn máy bay Mỹ bị phá hủy. Toàn bộ diễn tiến của
cuộc tấn công chỉ kéo dài trong vài giờ dưới tầm lửa phối hợp tuyệt vời của
các máy bay dội bom và tàu chiến Nhật. Kể từ ngày ấy và nhiều tháng sau
đó, được khích lệ bởi thành công ban đầu, nước Nhật đã xông lên từ cuộc
chinh phục này đến cuộc chinh phục khác, từ chiến thắng này đến chiến
thắng khác.
Thật ra, chủ nghĩa quân phiệt cũng chẳng có gì mới mẻ. Từ cuối thế kỷ
trước, nước Nhật đã trải qua 25 năm chiến tranh. Hòn đảo Đài Loan thuộc
Trung Hoa đã từng rơi vào quỹ đạo của Nhật Bản trong cuộc viễn chinh
năm 1874. Nước Nhật đã tiến hành cuộc chiến đầu tiên với Trung Hoa từ
năm 1894 đến năm 1895. Sau đó là đến cuộc chiến tranh với nước Nga từ
năm 1904 đến 1905. Từ năm 1918 đến 1925, Sibérie lại trở thành sân khấu
cho một cuộc xung đột mới với Nhật Bản. Triều Tiên cũng đã bị đặt dưới
ách thống trị của Nhật Bản. Kể từ năm 1927, Nhật Bản lại tấn công Trung
Hoa một lần nữa: chiếm đóng Giang Đông và Mãn Châu Lý thuộc phần
lãnh địa của Trung Hoa. Kể từ năm 1937, Nhật Bản đã chiếm đóng toàn bộ
phần phía Đông của Trung Hoa. Quân đội Nhật đã là thủ phạm của những
vụ tàn sát kinh tởm. Nhưng, đối với chính quyền Tokyo, cuộc chiến ấy vẫn
cứ là một cuộc thánh chiến, một cuộc chiến tranh giải phóng. Bởi lẽ, theo
Tokyo, nước Nhật có sứ mệnh cao cả là cứu rỗi châu Á khỏi nanh vuốt của
đế quốc Mỹ và Anh. Cũng chính những khẩu hiệu ấy lại được đem ra sử
dụng cho cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Cuộc tấn công Trân Châu
cảng không chỉ đơn thuần là một lời tuyên chiến với Hoa Kỳ và nước Anh.
Nó còn đánh dấu sự mở đầu của một cuộc tiến công toàn diện trên tất cả các
mặt trận ở Thái Bình Dương.
Giấc mộng bá chủ: “Đại thịnh vượng”
Từ sau năm 1941, quân đội Nhật đã mở rộng quyền lực của Thiên hoàng
đến tận những vùng đất xa xăm của châu Á. Người Nhật giải thích với dân
chúng sở tại rằng họ đến để đánh đuổi “bọn thực dân, đế quốc” da trắng.
Vương quốc Mặt trời mọc đã có một vài thành tích. Tại Thượng Hải, cho
mãi đến năm 1937, công viên ở bờ sông Hoàng Phố đã bị cấm không cho
“chó và người Trung Hoa” bước vào. Sau khi chiếm thành phố này, người
Nhật đã buộc người da trắng phải cúi đầu mỗi khi đi ngang qua công viên.
Ngay từ đầu thế kỷ, chiến thắng quân sự của Nhật Bản trước người Nga đã
có những tác động tâm lý dây chuyền lớn suốt châu Á. Lần đầu tiên, lịch sử
đã chứng minh rằng người châu Á có thể đánh bại một dân tộc da trắng.
Nước Nhật, vốn rất tự hào về điều đó, đã không bỏ lỡ dịp nhắc lại với
những nước láng giềng. Song liệu có phải nhờ vậy mà nước Nhật nghiễm
nhiên được giao sứ mệnh thay cho toàn châu Á ?