muốn gọi nó là gì thì tùy, nhưng tôi thì cho rằng đó là sự “quốc tế hóa” nền
kinh tế Nhật Bản. Chúng ta đang bước vào, đúng hơn là “đã” bước vào
thiên niên kỷ thứ ba. Ngay lúc này, chúng ta đang vượt qua năm 2000 và
trước mắt chúng ta thế giới tương lai đang được tạo dựng lại. Hình như
chúng ta thiếu phấn khởi, và hơi sợ hãi. Chúng ta không đọc nhiều. Báo chí
đáng lẽ phải thông tin nhiều hơn các sự kiện đang diễn ra trên thế giới ngày
nay”.
Về nước Nhật, ý của tôi như thế này: Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên
của những đại lượng. Nước Nhật tự nhận thấy mình quá bé nhỏ trong một
thế giới các đại lượng. Những đại lượng như Liên Xô, Trung Quốc sẽ là
những đại lượng bị vỡ tung, như Liên Xô đã vỡ thành những Xô Viết, tuy
rằng vẫn còn hình thức liên bang hay một hệ thống thống trị nào đó. Nước
Nhật để đối đầu với những khối ấy, theo cách của họ chính là phân tán và
thiết lập ở khắp nơi những cơ sở của Nhật Bản. Về cộng đồng châu Âu thì
thiết chế này đang hình thành nhanh chóng. Nhưng sự cố kết của châu Âu
diễn ra chậm hơn, bởi vì sự hội nhập của các nước Đông Âu sẽ làm cho quá
trình châu Âu hóa chậm lại. Trong lúc đó, nước Nhật sẽ có thời gian tiến
hành một chiến dịch, mở đầu từ nước Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.
Tiếp đến mạnh hơn là ở Pháp, Đức và tất nhiên là cả ở Đông Âu. Đối với
nền công nghiệp Nhật Bản, đó là những mảnh đất quá tốt. Người Nhật đến
đó với vốn lớn không ai bì kịp, dù là người Đức hay bất cứ ai khác. Cuối
cùng người Nhật sẽ đứng chân được ở cộng đồng châu Âu. Chúng ta sẽ
được biết một quá trình châu Âu hóa Nhật Bản. Bởi vậy, chúng ta không thể
nói rằng Nhật Bản đi chinh phục thế giới. Đây là một vấn đề khác hẳn. Đó
là việc xây dựng một thế giới mới bước vào thiên niên kỷ thứ ba, trong đó
Nhật Bản không phải là kẻ chinh phục, vì họ không có ý định xâm lược các
dân tộc, mà đơn giản là một đất nước có mặt ở khắp nơi, thể hiện toàn bộ
các khả năng to lớn của nó”.
Nước Nhật của thiên niên kỷ thứ ba
Tuy nhiên, tôi lưu ý ông cụ Robert Guillain; dù có hay không có ý thống
trị, thì quá trình phi địa phương hóa trên quy mô lớn của các công ty Nhật
và sức mạnh tài chánh to lớn của Nhật Bản, trên thực tế chính là sự thống
trị.
Nhưng Guillain vẫn vững tin vào tương lai:
“Tôi nghĩ rằng người ta không thể trả lời câu hỏi của ông được. Không
loại trừ thực tế đó. Nhưng nền kinh tế của thiên niên kỷ thứ ba sẽ cực kỳ
năng động và cực kỳ cạnh tranh. Nhưng tôi không thấy có lý do nào để cuối
cùng nước Nhật sẽ thống trị cả nước Mỹ. Nước Mỹ đã có lúc biểu hiện suy
yếu, nhưng người ta có thể đoán chắc rằng nước Mỹ đâu có để cho tên mình
bị xóa khỏi bản đồ. Nước Mỹ không thể để cho nước Nhật thống trị mình”.