Sức mạnh của nước này (Nhật) sẽ dẫn nó đến đâu ? Phải nói thế nào về
những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ? Nước Nhật có thể một lần nữa bị
những con quỷ nguy hiểm cám dỗ không ? Guillain trả lời:
“Tất nhiên là có thể có những biến đổi và những biến động. Cho đến nay,
có thể chứng minh rằng khi nước Nhật có những bối rối nghiêm trọng, thì
đó là những vấn đề đến từ bên ngoài chứ không phải từ vận hành bên trong
của bộ máy. Bộ máy bên trong luôn chạy khá tốt. Đã có những cú sốc như
cú sốc đồng yên, cú sốc dầu hỏa, song qua đó, nước Nhật đã đứng vững như
con tàu trong cơn bão tố, điều này chỉ ra rằng con tàu được điều khiển bởi
những hoa tiêu giỏi. Tôi không hiểu tại sao lại không để cho nó tiếp tục như
vậy. Song có những hiện tượng thuộc lĩnh vực tâm lý xã hội có tầm quan
trọng lớn hơn chúng ta tưởng. Nước Nhật là một sân khấu của những biến
đổi to lớn mà người ta chỉ mới bắt đầu nhìn thấy và tìm hiểu. Nước Nhật,
trước kia nghèo nàn, đạm bạc, đã biết từ sự nghèo nàn và lạc hậu ấy làm
nên phân nửa sức mạnh của mình. Và có thể Nhật đang chuyển biến, từ một
nước giàu có thành một nước trục lợi, thành một nước biếng nhác – nếu ta
giả thiết có người Nhật biếng nhác, điều đó hơi khó tưởng tượng – nhưng
tôi chấp nhận rằng nước Nhật có bắt đầu chậm bước. Thế hệ mới, theo ý
kiến chung là một thế hệ đáng kinh ngạc, họ không có những phản ứng như
trước, tức là những phản ứng của lòng yêu nước, của tình đoàn kết, của tình
cảm gắn bó với tập thể như từng có ở một nước Nhật cổ xưa. Ngược lại, thế
hệ này lại học đòi chủ nghĩa cá nhân, và bắt đầu làm việc theo đơn vị cá
thể”.
Nước Nhật muốn trả đũa, không phải trả thù
Một câu hỏi nữa về nước Nhật tương lai. Sau khi được bảo hộ dưới đôi
cánh của nước Mỹ, trở thành hùng cường, liệu nước Nhật có thể trở thành
“kẻ giết cha” ? Nước Nhật sẽ giết nước Mỹ chăng ?
“Tôi không hề nghĩ nước Nhật có ý định ấy. Nhưng tư tưởng trả đũa sự
thua trận của mình thì chắc có. Hơn nữa, cũng có thể họ đã đi quá sự trả
đũa, và bây giờ họ có thể nói với Mỹ: “Trước đây các anh rất mạnh, nhưng
bây giờ chúng tôi có sức mạnh hiệu quả hơn các anh, bởi chúng tôi sử dụng
các phương thức hòa bình; chúng tôi không làm những chuyện điên rồ như
các anh là đã ném biết bao tiền của vào ảo tưởng phòng thủ quân sự và
chiến lược chiến tranh hạt nhân. Chúng tôi đã đứng ngang hàng với các
anh”. Đấy là sự trả đũa, không phải sự trả thù”.
Về nước Nhật, đã có những lời phê phán cho rằng: “Khi người ta yêu cầu
Nhật nhả bớt mồi thì người ta chỉ nhận được thứ ngôn ngữ của kẻ mạnh”
Nên nghĩ thế nào về điều đó ?