ảnh của những năm 1977 và 1987. Điều đó chứng tỏ nước Nhật đã dành gần
20 năm để leo lên vị trí hàng đầu. Đối với họ, khi đã quyết là làm, làm giỏi,
tổ chức tốt. Sự việc tiến triển như thế nào ? Những tập đoàn lớn thống nhất
với nhau và bắt tay vào làm một thời gian. Sau đó, đến một lúc người ta thả
lỏng dây cương cho từng tập đoàn. Thế là các tập đoàn lớn xâu xé nhau,
hoặc cạnh tranh với nhau không thương tiếc và trở nên rất mạnh”.
Tại sao lại thù ghét đến thế ?
Có phải năm 1945, người Mỹ đã quá tốt với người Nhật chăng ? Có phải
nước Nhật đã thiếu lòng hối hận ?
“Tôi nghĩ rằng ở Tokyo lúc đó không có bầu không khí sám hối về một
tâm trạng phạm tội hay trách nhiệm. Người Nhật không bao giờ lại lao vào
những việc đại loại như thế. Họ không biết truy lùng những tội phạm chiến
tranh, bởi cả tập thể người Nhật đều cảm thấy liên đới sâu sắc với nhau và
họ không muốn đẩy những người có tội nặng nhất trong số họ ra trước tòa.
Nói cách khác, tôi nghĩ rằng lúc ấy không thể có được một sự tự chỉ trích từ
đất nước này, một đất nước đã hoàn toàn bị đánh gục, và đã bị trừng phạt
quá khủng khiếp”.
Vâng, nhưng nước Đức, người ta đã buộc họ phải thừa nhận sai lầm của
họ, buộc họ phải sửa lại những sai lầm đó. Tội ác của nước Nhật có phải
cũng ghê tởm ngang với của nước Đức không ? Guillain nói dứt khoát:
“Đúng, tội ác đúng là như thế, song bản chất của nó có khác. Tức là tội
ác đó không được tổ chức một cách có ý thức (như ở Đức). Vấn đề này rất
tế nhị. Nhưng tôi nghĩ sự tàn bạo của tội ác chiến tranh ở người Nhật xuất
phát từ trong máu Samourai thời Trung cổ, từ những cuộc chiến tranh ngày
xưa, từ sự tàn bạo Á Đông. Nhưng nước Nhật không có một Mein Kampf
như Đức, trái với điều bà Edith Cresson nói. Không hề có Main Kampf ở
Nhật Bản”.
Cuộc cạnh tranh giữa phương Tây và Nhật Bản hiện có thể làm hồi sinh
châu Âu không ? Và phải chăng châu Âu chỉ có cách là chặn đường chàng
khổng lồ này ? – Guillain lạc quan:
“Nhất định là thế. Tôi tin chắc như vậy. Tôi tin rằng nếu vượt lên trên
hận thù và khủng bố, châu Âu có cơ may cống hiến trí tuệ, nền công nghiệp
của họ, để xây dựng một tổ chức mới, theo hình thức liên bang tự do và
thuận lợi cho sự phát triển các khả năng của con người. Châu Âu sẽ rất rất
mạnh. Nền văn hóa lâu đời của châu Âu sẽ có dịp phát triển viên mãn, nổi
bật trong thế giới mới, có thể hơn châu Mỹ nhiều, tiến xa hơn châu Mỹ về
văn hóa. Kho tàng văn hóa và kinh nghiệm châu Âu thoát khỏi mối đe dọa
hạt nhân, sẽ làm nên nhiều điều kỳ diệu”.
Những người theo chủ nghĩa “xét lại” của Mỹ