Giáo sư Chalmers cho rằng đó là câu hỏi cần nhanh chóng tìm câu trả
lời:
“Nước Nhật cần quyết định điều phải làm khi sức mạnh bá chủ là nước
Mỹ bắt đầu suy yếu. Họ có cần giúp cho bá quyền đó tiếp tục hay không ?
Hay họ sẽ xóa bỏ và từ bỏ nó cùng với gánh nặng trách nhiệm của nó ? Họ
sẽ từ chối điều nào trong hai điều trên và chờ đợi kẻ đối tác nào khác quyết
định để tiếp tục cuộc du hành miễn phí với phí tổn của kẻ khác ? Tôi có
cảm giác ở Nhật Bản có những tập đoàn chính trị quan trọng tài trợ cho một
quan điểm chính trị có câu trả lời tích cực đối với một trong ba câu hỏi
trên”.
Thế giới tài chính và kinh doanh Nhật tiếp tục yểm trợ Mỹ bằng cách
mua vô số cổ phiếu của Ngân khố Mỹ, bất kể nguy cơ thiệt hại nếu đồng đô
la mất giá. Về phía mình, chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản dự đoán Hoa Kỳ
đang trở thành một quốc gia lười nhác, và như vậy, tốt nhất là Nhật Bản tiếp
tục cuộc hành trình một mình. Trong các giới này có chủ tịch hãng Sony,
Akio Morita và chính trị gia cánh hữu, Shutaro Ishihara, tác giả cuốn sách
Nước Nhật có thể nói “Không”. Còn đối với những nông gia Nhật, những
tiểu thương và những nhà thầu xây dựng, hoạt động của họ tách biệt sự
cạnh tranh quốc tế và họ thích sống dựa và cộng đồng quốc tế. Số này khá
đông ở Nhật; tiếng nói của họ trong bầu cử là rất nặng ký. Điều đó minh
chứng rằng không thể chờ Nhật sớm tự nguyện thỏa thuận về vai trò của họ
trên thế giới, về quan hệ của họ với Hoa Kỳ. Chính vì thế, gây sức ép là cần
thiết.
Nước Nhật bị đặt trước ba đường lối đối ngoại khác nhau. Một là đường
lối của Bộ Ngoại giao Nhật gọi là Gaimusho, chủ trương tăng cường lực
lượng quốc phòng và viện trợ kinh tế. Nước Nhật đã trở thành một cường
quốc quân sự. Chi phí quốc phòng của Nhật Bản tiếp tục tăng lên. Trong kế
hoạch 5 năm sẽ kết thúc vào năm 1991, Cục phòng vệ Nhật Bản sẽ chi tiêu
tương đương 75 tỷ đô la (360 tỷ franc theo tỷ giá năm 1985). Trong kế
hoạch 5 năm tiếp theo, ngân sách quốc phòng Nhật Bản do Cục phòng vệ
dự toán là tương đương 175 tỷ đô la (860 tỷ franc theo tỷ giá 1990). Cần ghi
nhận rằng số tiền kỷ lục này được chi tiêu trong lĩnh vực quân sự, vào lúc
mà ngân sách quốc phòng của các nước phát triển đã khựng lại hoặc giảm
sút. Nước Nhật sẽ dùng sức mạnh quân sự ấy vào việc gì ? Chalmers nhấn
mạnh rằng, với sự nổi lên của các tiểu quốc ở châu Á nhờ sự tăng trưởng
kinh tế mạnh mẽ, nước Nhật cho rằng cần phải có được một khả năng quân
sự riêng để có thể ứng phó với những vấn đề sẽ đặt ra trong tương lai.
Nhưng lý do đúng nhất là Nhật Bản phải chuẩn bị để tự đảm đương nền
quốc phòng của họ, lúc mà cây dù quân sự của Hoa Kỳ không còn nữa.
Chẳng hạn những nhà chiến lược Nhật Bản phải hình dung phương thức
bảo vệ nguồn nguyên liệu dầu hỏa của họ như thế nào ?