nước Nhật nghiễm nhiên trở nên vô cùng cần thiết đối với Hoa Kỳ để làm
hậu phương cho quân đội mình. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô khi
ấy cũng đang chuyển sang gay gắt. Với vai trò là một hậu cứ khổng lồ cho
quân đội Mỹ, quần đảo Nhật Bản bỗng trở nên một tiền đồn chiến lược vô
cùng quý giá đối với Washington. Chính vì vậy, chính phủ Mỹ đã phải xem
xét lại toàn bộ những chính sách của mình đối với nước này. Thoạt đầu, Mỹ
đã từng dự kiến cùng các nước đồng minh cầm chân Nhật ở một mức độ
phát triển trung bình và hòa bình. Nhưng, kể từ năm 1950, chẳng còn ai
nhắc đến chuyện bồi thường cho các quốc gia nạn nhân của cuộc chiến Thái
Bình Dương nữa. Chẳng những thế, Hoa Kỳ còn quyết định bơm nước Nhật
lên để biến nước này thành thành trì của “thế giới tự do” ngay sát Trung
Quốc và Liên Xô.
Để làm điều đó, cần phải tiếp sức cho Nhật đủ mạnh và đảm bảo được
vai trò lá chắn của phương Tây trong khu vực này của thế giới. Đối với
Nhật Bản, việc liên minh với Hoa Kỳ là một vận hội lớn để phát triển. Nó
đảm bảo cho Nhật sự che chở quân sự của một cường quốc mạnh nhất thế
giới, đồng thời cũng cho phép Nhật với tới những kỹ thuật tinh vi nhất và
vươn tới một thị trường rộng lớn và giàu mạnh nhất của thời đại. Được sự
trợ giúp của Hoa Kỳ, chủ nghĩa tư bản Nhật Bản nhanh chóng hồi sinh và
đảm bảo cho nước Nhật một mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Nền
tảng của kỳ công ấy là một chính sách công nghiệp chặt chẽ của chính phủ
Nhật Bản, đặt ưu tiên cho việc phát triển công nghiệp nặng, than đá và năng
lượng điện. Kể từ ngày ấy, nước Nhật đã dứt khoát tập trung mọi nỗ lực vào
chất lượng sản phẩm. Trong các xí nghiệp lớn, người Nhật đã bắt đầu tập
trung sự chú ý và các “vòng tròn chất lượng” đầu tiên. Bắt đầu từ đó, các
sản phẩm hướng về xuất khẩu của Nhật Bản đều có thể xem là đồng nghĩa
với chất lượng.
Ngày nay, mọi việc đã được sáng tỏ: cuộc chiến tranh Triều Tiên đã giúp
cho nền công nghiệp Nhật Bản có được một sự đột phá khổng lồ. Cùng với
cuộc chiến tranh Việt Nam ít lâu sau đó, nó đã tạo nên một trong những yếu
tố chìa khóa cho việc phục hưng nền kinh tế Nhật Bản. Các xưởng Nhật
Bản đã đổ xô và sản xuất hàng loạt những vật dụng do Hoa Kỳ đặt hàng.
Trước hết là các xe tải, các linh kiện rời, các máy công cụ, hàng dệt và than
đá. Trong các lĩnh vực này, công nghiệp Nhật Bản đã nhanh chóng đạt lại
mức sản xuất trước chiến tranh. Sau đó, với sự cho phép của đồng minh,
Nhật đã bắt đầu sản xuất các vũ khí hàng loạt để phục vụ cho quân đội Hoa
Kỳ.
1955 – 1965: “phép lạ Nhật Bản”
Năm 1955, nước Nhật lại được dịp tô điểm thêm chút ít chân dung của
mình trên sân khấu quốc tế với việc gia nhập FMI (Quỹ tiền tệ quốc tế) và
GATT (Hiệp định chung về mậu dịch và quan thuế). Ngày đó đánh dấu sự