Hạnh bước xuống bãi nuôi trai lấy ngọc, còn ngoái lại nói với anh Ba
chơi trống cá sấu :
- Ở Hà Nội, em đọc thấy họ tả vua Tây Ban Nha có viên ngọc to
bằng quả nhót, còn ở Viện bảo tàng Anh lại trưng bầy một viên ngọc dài
hơn mười phân. Ở đảo mình, có nhiều ngọc lớn vậy không, anh Ba?
- Lớn như vầy thì không có, nhưng loại nhỏ hơn nhiều. Anh không
hiểu các viên ngọc ở các nước ra sao, chớ ở đảo này, ngọc đủ màu đẹp thì
đâu có hiếm. Màu hồng nè, màu nâu nè, lại có cả xanh, tím. Muốn chi có
đó !
- Làm sao mình nuôi cấy được ngọc, anh Ba?
Anh Ba kéo một cái lồng treo lên khỏi mặt nước. Trong lồng, có đến
hơn chục con trai đang khép vỏ. Anh cầm lên một con, kể :
- Dễ ợt thôi. Kỹ thuật làm ngọc nhân tạo là thế này. Mà ngọc tròn
cực nghen. Ngọc tròn thời được hình thành trong một cái túi ngọc. Cái túi
này là lớp tế bào mặt ngoài của lớp áo trai tạo nên. Vậy muốn có ngọc tròn
cũng phải tạo ra cái túi như thế. Chú mày lột một mảnh áo trai ra, chỉ cần
đặt vô lớp tế bào tiết ra xà cứ đó một hạt xà cừ rất nhỏ rồi buộc túm mảnh
đó vô làm thành một cái túi. Cứ việc nhét một cái túi vô trong cơ thể một
con trai khác. Sau vài năm, cái túi ấy vẫn hoạt động và vẫn tiết ra chất xà
cừ để phủ lên hạt xà cừ đầu tiên kia. Vậy là một viên ngọc được hình thành.
Ngọc trai nuôi lớn cũng chẳng kém gì ngọc trai tự nhiên. Còn về màu sắc
ngọc, dù có đặt hai viên ngọc nhân tạo và tự nhiên, cạnh nhau thì những
người sành chơi ngọc cũng không thể phân biệt nổi. Các cô gái tha hồ chọn
mà trang điểm.
Anh Ba thả lại con trai vào lồng, từ từ nhấn chìm xuống đáy nước.
Đoạn, anh cười thoả mãn ra mặt :
- Chốc nữa, em vào xem “phân xưởng” mài ngọc. Các cụ biểu:
“Ngọc có giũa mới quý”. Đúng vậy đó, các cô công nhân mài ngọc khéo
tay hết chỗ nói. Khách nước ngoài đến tham quan, ai cũng đòi ở lâu lâu,
chẳng muốn rời đảo đâu.