– Bác Lồng Cẩm đó chứ ai!
– Còn tên chúa đảo?
– Chạy theo Mỹ rồi. Chỉ còn tên tay chân tin cẩn của nó ở lại đảo. Cái
thằng đã chặt ngón tay của bác Lồng Cẩm đó. Thằng cha Lỳ Kheo…
– Chà chà, thảo nào mình thấy cậu bé Lồng Chéo có vẻ căm ghét lão Lỳ
Kheo đến thế. Còn người cán bộ được Lồng Cẩm cứu thoát có lần nào về
thăm đảo không?
– Mỗi năm ông ấy về hai ba lần. Nghe bác Lồng Cẩm nói ông ta là chủ tịch
huyện trong đất liền. Lần nào ra đảo, đồng chí chủ tịch huyện cũng được
bác Lồng Cẩm thết bữa thịt chim quý do con chim mồi diều hâu săn được.
Ông chủ tịch mấy lần mời bố con bác Lồng Cẩm vào chơi đất liền để trả ơn
chuyện cũ, nhưng bác Lồng Cẩm đều chối. Bác Lồng Cẩm khí khái lắm.
Đúng là người vùng biển, sẵn sàng xả thân cho người khác nhưng không hề
nghĩ đến ơn huệ gì hết. Chỉ có một lần, dịp mùa xuân vừa rồi, ông chủ tịch
huyện năn nỉ bác Lồng Cẩm chở cho ít giống cây thuốc trên đảo và vào đất
liền giúp cho huyện ông xây dựng vườn thuốc nam chữa bệnh, bác Lồng
Cẩm mới mang con đi theo. Buồn cười là chuyến đi đó, bố con bác Lồng
Cẩm mang cả con chim mồi đi theo. Các tay săn chim trong huyện đất liền
thấy chim mồi, cứ sán lấy bác Lồng Cẩm. Hóa ra chuyến đi của bố con bác
thợ săn lại được hai việc: xây dựng được vườn dược liệu quý và tổ chức lại
được hội săn chim cho huyện. Bác Lồng Cẩm lại được bầu là chủ tịch danh
dự hội săn chim của huyện nữa. Các cha thợ săn cứ là lác cả mắt! Bò lê
suốt ngày trong các cánh đồng cỏ lác, cỏ năn, da thịt bị cào xước tước máu,
mà chỉ kiếm tòn ten một dây chim có vài con vịt trời hoặc đôi ba con le,
con sếu, trong khi đó cho chim diều hâu mồi của bác Lồng Cẩm thoắt một
cái, thoáng một chập, đã tha về hàng đống chim. Có tay thợ săn gạ bác
Lồng Cẩm hàng chục ngàn để lại con chim mồi hoặc đổi cả cái xe máy thật
luých. Bác Lồng Cẩm cười với đồng chí chủ tịch: “Tôi ở đảo, chả lẽ cưỡi
xe máy đi trên núi?” Ngày bác Lồng Cẩm ra đảo, bố con bác được hàng
trăm người đi tiễn, có lẽ còn đông hơn cả khách nước ngoài đến thăm
huyện.