Anh Thành ngắm nhìn chiếc vòng đeo chân con sâm cầm, rồi quay lại
phía bác Lồng Cẩm:
– Để tôi gửi chiếc vòng đeo chân chim tới Viện khoa học Việt Nam cho họ
báo tin về nơi thả chim. Đây là quy định quốc tế mà. Nơi thả chim, họ sẽ
tính toán và nghiên cứu sự di chuyển của con cầm sâm này. Bác Lồng Cẩm
có đồng ý không?
Bác Lồng Cẩm hỏi:
– Thế có cần cho họ biết bắt được chú sâm cầm ở đảo này không?
– Cần chứ. Rất cần. Tôi sẽ viết cả tên bác nữa.
Bác Lồng Cẩm tháo chiếc vòng chim ra, đưa cho anh Thành:
– Anh cứ gửi đi. Thích thật! Có lẽ con sâm cầm này bay đi hàng vạn cây số
rồi.
Anh Cao quàng hai cánh tay rộng lên vai Lồng Chéo và Giang Khầu:
– Đúng là hàng vạn cây số đó. Vừa bay xa, lại cả bay cao qua những dãy
núi trùng điệp nữa. Nhiều loài vịt trời di cư đã bay qua đỉnh Hi - ma -
lay - a cao 8850mét một cách dũng cảm. Dũng cảm thật đó, các chú bé ạ!
Này nhé, các nhà du lịch, với đủ mọi trang bị dã ngoại phức tạp, mà còn
chật vật lắm mới lên được độ cao đó. Vì sao? Vì lên đến độ cao đó, không
khí chỉ còn độ một phần ba là ô - xy cần cho sự thở. Điều bí mật là bằng
cách nào cơ của cánh chim có thể giữ được khả năng làm việc trong một
thời gian dài ở điều kiện thiếu ô - xy như vậy? Cái vòng chân chim này,
cùng với các theo dõi tính toán khác, sẽ làm sáng tỏ các đường di cư của
chim và sức chịu đựng của chúng.
Giang Khầu tròn xoe mắt. Nó kéo áo anh Cao:
– Thế khi chim di cư bay, có con nào bị chết không, anh Cao?
Anh Cao trầm ngâm:
– Không ít con thiệt mạng đâu. Qua biển cả, bị gió bão, mất hướng, hàng
loạt con đã không bay được về nơi nắng ấm. Rồi còn vô vàn trở ngại dọc
đường nữa. Luồng ánh sáng của các nhà cao tầng thu hút chim bay trong
đêm, rồi các cột ăng - ten truyền hình, giàn ra - đa, đèn biển làm hàng