- Thưa bà, cháu có muốn đi ăn mày đâu. Cháu có tính lười biếng đâu.
Cháu cũng biết kiếp ăn bám vào người ta thì chả chắc tí nào, vả lại nhục
lắm. Nhưng cháu cố xin ông chủ việc gì, ông ta cũng không dùng. Ông ta
bảo có đủ người rồi.
Cho nên cháu không được ở nhà ấy nữa.
- Sao ở tỉnh Lạng, thiếu gì người, thiếu gì nhà, anh không xin việc mà
làm?
- Thưa có, nhưng ai cũng chê cháu gầy gò, yếu đuối. Có người đã nuôi
cháu hai hôm, lại cho cháu ra ngay, bảo rằng cháu không biết việc và nhất
là vì cháu bơ vơ, không có ai chắc chắn dẫn lại, nên người ta không thể tin
được.
Bà hành khách thở dài. Thằng bé nói tiếp:
- Mà giá cháu có quần áo lành lặn, thì còn có người tin, chứ ăn mặc
rách rưới thế này, ai cũng nghi là ăn cắp. Cháu lang thang một ngày không
có gì ăn, bất đắc dĩ, cháu mới phải ngửa tay đi xin đồng trinh, bát cháo.
Một lần, may quá, cháu gặp một người bạn của cậu cháu khi trước. Cháu kể
tình cảnh với bác ấy, bác ấy thương tình, hẹn rằng hai hôm nữa là phiên chợ
Kỳ Lừa, bác ấy ra tỉnh bán hàng, bác ấy sẽ dắt việc cho mà làm ở nhà quen.
Và nếu không được, thì bác ấy cho vay tiền mà làm vốn.
- Ồ, thế sao anh không theo về ngay nhà bác ấy ở làm thằng nhỏ cho
bác ấy có tiện không?
Thằng khốn nạn mỉm cười, đáp:
- Thưa bà, bác ấy có sung sướng gì hơn cậu cháu đâu? Nghĩa là bác ấy
cũng nghèo khổ như hạng cháu thôi. Tại bác ấy thương cháu, nên mới tính
như thế. Mà cái vốn của bác ấy gọi là cho cháu vay, nó độ một vài hào là
cùng. Bác ấy xui cháu mua đôi nồi hông mà gánh nước thuê, hoặc sắm cái