tặng! Khốn nhưng chú chỉ quen thói tộp ngực lần lưng dân, cho nên chỉ học
được mốt chim gái của bạn đồng nghiệp, thẳng như nòng súng, là giữ nón,
chắn đường, hoặc nắm cổ tay mà bắt nói một câu.
- Van nhà, nhà buông em ra!
Nhưng mà người anh em chỉ dám "tiểu di" thế thôi, chứ mà thầy quản
đồn này nghiêm khắc lắm, lỡ chú bị "lập gioòng", hoặc bị tai thì phải biết!
Cho nên, lắm lúc gặp cơ hội tốt, mà chú nghĩ đến hình phạt nhà binh, chú
đành phải "đờ-mi-tua" ngay!
Còn một kế sau cùng, chú nghĩ đã chín lắm, là nhân ngày lĩnh lương,
hoặc gặp buổi bóp nặn được thằng dân nào, chú quyết bỏ hẳn ra ba hào chỉ,
ra hàng chị Tam đánh một bữa bánh giò rõ no, thế là "a-lê", tha hồ tán
chuyện!
Buổi tối hôm ấy, trong túi chú Ván-cách xủng xoảng có tiền. Chú bèn
búi tóc yên ngựa cho thực nền, gài cái lược xương trắng cho thật khéo, chít
cái khăn lượt cho thật vố, vuốt tí nước hoa cho thật thơm, rồi soi gương
đằng trước, đằng sau, ngắm nghía mãi, mới thay quần, gài khố, bóc gói
thuốc lá mới, phì phèo, huýt còi đi "la mát".
Lúc bấy giờ đã vào chín giờ khuya. Nhà hàng phố đã đóng cửa kín
mít. Chú Ván-cách lượn qua nhà chị Tam mấy lượt, thổi bài kèn "la vầy" rõ
lẳng để đánh tiếng, rồi dòm qua lỗ liếp. Chị ngồi một mình, đương chẻ lạt.
Chú ngắm nghía thế một lúc lâu, đắn đo, không biết thằng chồng đi đâu,
nhưng cứ liều gõ cửa. Chị Tam đương lúi húi, bèn ngẩng đầu lên, hỏi:
- Ai?
- Tôi đây! Cho tôi mua ít bánh giò!
Chị Tam đứng dậy, vừa nâng hé cái liếp ra, Ván-cách đã lách được vào
rồi.