Thực ra, từ thuở cha mẹ đẻ ra, lần này tôi mới phải bữa vất vả là một.
Tôi chui chỗ nọ, tôi luồn chỗ kia, lúc thì rúc, lúc thì bò, mãi mãi mới kiếm
được dây về. Song, tôi chỉ còn thấy thầy quản đứng trơ khấc một mình ở
đó. Thoạt thấy tôi, thầy hầm hầm nét mặt, vừa giơ đồng hồ, vừa gắt:
- Chú không được việc gì cả! Chim gái thì thạo lắm! Chú ngủ ở trong
rừng hay sao? Hơn một tiếng đồng hồ mới kiếm được dây. Thôi, con mẹ nó
trốn mất rồi!... Chú không nhớ rằng tôi đã bảo con mẹ ấy tai quái, khỏe
mạnh à? Chú để một mình tôi canh nó, nên nó trốn thoát! Được rồi, tôi
"lập-bô" cho chú, chú sẽ phải "lập-gioòng"!
- Làm sao đằng ấy không xin thầy quản ngay?
- Sao lại không xin? Nhưng tính thầy quản nghiêm khắc, còn ai lạ?
Đến ngay như lúc ấy, tôi mệt quá, xin vào ngồi nghỉ ở túp hàng nước cạnh
đấy, mà cũng không được. Thầy bảo: "Thôi, đã có ai dọn hàng đâu mà vào
nghỉ. Chú phải về ngay, nếu chú tìm được con mẹ ấy, thì tôi tha cho chú."
Cha mẹ ơi! Biết nó trốn đằng nào mà tìm bây giờ! Thôi đành chịu
"lập-gioòng" cho xong chuyện vậy...
Ván-cách nói đến đấy thì vừa đến giờ chịu phạt. Chú phải mặc quần
áo chỉnh tề, quấn xà cạp, đeo bao đạn, bồng súng cắm lưỡi lê, đi xung
quanh bờ giếng. Cách hình phạt ấy, làng "ắng-đê" ta gọi là "lập-gioòng"...
Nghe câu chuyện chú quyền Ván-cách nói, ta cũng đã hiểu tại sao chú
phải phạt rồi. Vì lỗi chú đi lâu quá, đến nỗi thầy quản đồn một mình không
giữ nổi cái con mẹ khôn ngoan mạnh khỏe kia, để nó xổng mất. Nhưng
tưởng thầy quản đồn cũng lực lưỡng nhanh trí lắm đấy chứ, tại sao lại để
cho con đàn bà nó đánh tháo được cả người lẫn tang vật?
Nhà tiểu thuyết chẳng muốn để chỗ thủng ấy vừa chỗ cho độc giả
đánh dấu hỏi. Vậy xin kể cái miếng võ nó rình đánh vào chỗ yếu của thầy
quản, và mưu mẹo nó lừa ra sao.