Duvignaud, Hà Nội. Sáng sáng, anh đạp xe tới trường học trên con đường
phố vắng vẻ với khá nhiều biệt thự hai hoặc ba tầng, xinh xắn, của những
nhà tư sản nhỏ, những viên chức. Hình ảnh cậu học trò nghèo, ngoan
ngoãn, đứng đắn dần dần quen thuộc với bà con trong phố. Một hôm, ông
chủ nhà nói với anh, có mặt gia đình muốn nhờ anh dạy buổi tối cho cô con
gái đang chuẩn bị thi vào trung học, với lương tháng 5 đồng. Anh nhận lời
ngay, vì số tiền này vừa đủ cho anh trả tiền trọ học. Cô gái đó là Tú Uyên.
Bố Tú Uyên là viên chức cao cấp ở Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Anh tới kèm cô
gái học vài tháng thì được ông phán mời về nhà. Nơi ở của cậu giáo là một
căn buồng trên gác hai yên tĩnh. Hai bữa, anh được mời xuống cùng ăn
cơm với gia đình. Tiền dạy học hàng tháng vẫn như cũ. Sau 2 năm, Tú
Uyên thi đỗ, vào học trường Đồng Khánh. Anh chuyển sang dạy cho em Tú
Uyên, một cậu bé rất ham chơi. Đảo chính Nhật, ông phán làm việc tiếp
cho chính quyền Bảo Đại. Cách mạng tháng Tám, ông lại trở thành nhân
viên của chính quyền ta. Một mối tình đã nảy nở giữa cậu giáo và cô nữ
sinh trường Đồng Khánh. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Gia đình Tú
Uyên lúc đầu không chịu tản cư. Hai Long ở lại Hà Nội chiến đấu trong
hàng ngũ tự vệ. Khi quân Pháp từ trong thành đánh rộng ra Ô Cầu Dền, ông
phán mới hoảng hốt nhờ anh đưa ra ngoài. Một đêm, với tấm chứng minh
thư tự vệ thành, Hai Long đưa cả gia đình đi trên những đường phố tối tăm,
rền vang tiếng súng, qua nhiều trạm gác của ta, tới làng Cự Đà, nơi bà phán
có người quen. Hai Long quay lại nội thành tiếp tục chiến đấu.
Chừng nửa tháng sau, tự vệ Liên khu II Hà Nội rút ra ngoại thành. Đêm
đêm, họ đi vào nội thành, mở những trận tập kích quấy rối. Ban ngày, mỗi
khi có dịp, Hai Long lại phóng về Cự Đà gặp gia đình Tú Uyên, kể chuyện
chiến đấu ở Hà Nội. Anh nói kháng chiến còn lâu dài, sớm muộn rồi quân
Pháp sẽ đánh ra những vùng chung quanh Hà Nội, và khuyên vợ chồng ông
phán nên đi xa hơn, tới những nơi an toàn. Ông phán nghe theo lời anh,
quyết định chuyển gia đình về quê ngoại ở Hưng Yên. Buổi sáng trước khi
gia đình gồng gánh về Khoái Châu, anh và Tú Uyên đứng bịn rịn với nhau
ở một gốc đa bên dòng sông nhỏ. Bà phán từ trong nhà đi ra tìm con gái. Tú
Uyên nước mắt vòng quanh. Bà nhìn Hai Long một hồi rồi cầm lấy tay anh