cho là anh đã phá ngang, làm hỏng cả những “áp phe” chính trị và kinh tế
mà họ đã mất nhiều công sức để chuẩn bị.
5
Những tháng cuối năm, nhiều phái đoàn Mỹ tới Sài Gòn ngỏ ý muốn gặp
cha Hoàng. Cha được người Mỹ biết tới như là một linh mục hiếu động,
hiếu chiến nhất, có uy tín trong giáo hội trên chính trường miền Nam, và
không dễ mua chuộc. Tất cả những lời đề nghị này đều bị cha tìm cớ thoái
thác. Thái độ này của cha ảnh hưởng đến công tác của Hai Long trong lúc
anh đang cần mở rộng quan hệ với các giới chức Mỹ để thu thập tin tức.
Nhân lễ Noel năm 1965 và ngày đầu năm dương lịch năm 1966, lần đầu
tiên, cha Hoàng nhận được thiệp mời tới dự tiệc cùng với những linh mục
tuyên úy trong quân đội Mỹ, và những cha cố Mỹ đang có mặt ở Sài Gòn.
Cha nhìn những tờ thiệp đặt trên bàn, nói với Hai Long:
- Đi làm chi! Ngồi tiệc tùng với mấy ông cha của Spellman thì vui thú nỗi
gì! Ở nhà làm ly rượu lễ với thầy còn vui thú hơn nhiều.
Nhân dịp này, Hai Long nói:
- Cha Tổng không ưa cha cố Mỹ, nhưng khi họ đã tỏ ra tôn kính mình, thì
mình cũng nên có cử chỉ đáp lại.
- Nhưng ngồi với họ biết nói chuyện chi, họ có nghĩ như mình đâu?
- Thưa cha, tất nhiên là đã không đồng tư tưởng thì trong buổi sơ giao,
mình nên lựa lời để giữ hòa khí, nhưng rồi dần dần mình cũng cần làm cho
họ hiểu mình và đồng tình với mình. Các thánh của Chúa Giê-xu đều
khuyến cáo các tông đồ phải đến với kẻ ngoại đạo để rao giảng đạo Chúa,
truyền đạo từ trong ra ngoài, từ người này sang người khác, từ nơi nọ sang
nơi kia, thậm chí với những kẻ không chịu nghe, đuổi hoặc bắt chém giết
tông đồ, vẫn phải lăn xả vào mà mở rộng đạo Chúa. Chả lẽ giáo hội Mỹ tìm
đến ta, ta ngoảnh đi sao? Thời gian qua, giáo hội Mỹ đã có sai lầm với giáo
dân miền Nam, ai sẽ là người làm cho họ hiểu điều đó? Con nghĩ chẳng có
ai ngoài cha Tổng. Cha sẵn có quá trình chống Cộng với uy tín không ai có
thể chối cãi được, giờ có cơ hội, cha chẳng nên từ nan.
Cha Hoàng ngồi nghe không phẩn đối nhưng vẫn lặng thinh. Hai Long tạm