điều chi?
Hình như Thiệu nghĩ anh giận y nên bỏ về Bình An mấy ngày.
- Anh nên bình tĩnh. Mình có hiểu hết lòng dạ của Mỹ thì mới tìm ra đối
sách đúng đắn.
- Dạ...
Vẻ mặt Thiệu trở nên nhu mì. Anh biết Thiệu đang rất lo. Và giờ đây, y còn
phải nuốt thêm một miếng đắng bội phần hơn bữa trước. Anh thuật tiếp lời
của ông linh mục, là Johnson muốn chấp nhận một chính phủ liên hiệp giữa
Mặt trận Giải phóng và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Anh mượn lời vị
linh mục để giải thích đấy là giải pháp thực tiễn, duy nhất để chấm dứt
chiến tranh.
Mặt Thiệu dần dần tối sầm. Nếu không có lời dặn trước của anh thì y đã nổi
nóng. Y chịu đựng một cách rất khó khăn. Hai Long thấy cần tranh thủ cơ
hội này nói hết những điều mình muốn nói.
- Trong số đặc phái viên của ông Johnson, có những người tôi dã biết là rất
trung thực. Nhưng sự tìm hiểu tình hình của tôi không dừng lại ở các ổng.
Tôi nghĩ có thể vì quá gắn bó với tổng thống mà các ổng mất đi phần nào
tính khách quan. Tôi đã nêu vấn đề với nhiều người bạn Mỹ khác, chú ý tới
những người thuộc phái Diều hâu. Anh hãy coi lá thư của linh mục
Raymond De Jaegher, đã từng là cố vấn hàng chục năm cho tổng thống
Tưởng Giới Thạch, cho tổng thống Ngô Đình Diệm, hiện là chủ tịch Hội
Thái Bình Dương tự do, vừa gửi cho tôi ít ngày nay.
Hai Long chuyển cho Thiệu xem lá thư của De Jaegher. De Jaegher buộc
phải thừa nhận rằng một làn sóng chính trị rất mạnh đang dâng lên tại nước
Mỹ, đòi nhà cầm quyền phải chấm dứt ngay chiến tranh ở Việt Nam. Người
Mỹ không bỏ rơi Việt Nam cộng hòa, nhưng họ buộc phải xúc tiến kế
hoạch nhằm giúp người Việt Nam tự mình tiến hành hữu hiệu cuộc chiến
tranh cho quân Mỹ rút về nước. Ông ta còn nói thêm là lời tuyên bố của
Thiệu ngày 10 tháng 5, phản đối ngừng oanh tạc miền Bắc và không chấp
nhận thương lượng với Mặt trận Giải phóng không có dư luận thuận lợi
trong người Mỹ.
Thiệu đọc thư xong, thở dài rồi nói: