Marseille trượt đi theo vận tốc của một bức tranh tường mà người ta gỡ
dần ra: cùng một dải rộng lớn hình cánh quạt nhô cao bởi quần thể những
quả đồi, những vịnh nhỏ, những ngôi nhà và những mảnh vườn nhỏ, chúng
đã liên tục ám ảnh tâm trí ông trong những ngày sống ở rừng rậm. Ông
sung sướng gặp lại những khu chợ bán sỉ của nó, những xưởng tàu, những
nhà máy sản xuất dầu và xà phòng, háo hức hít thở mùi hoa oải hương và
mùi của biển, của lưu huỳnh và mùi mỡ cháy. Ông nhắm mắt lại và để mặc
cho tiếng vó ngựa chạy nước kiệu và tiếng nhạc của thành phố du ngủ. Kè
Rive-Neuve, âu Carnage, con đường đi dạo Corniche, đại lộ Prado, đại lộ
Point-Rouge, rồi đến đại lộ Madrague-de-Montredon.
Xe chạy nhanh qua lối tắt Carthage, phóng ào vào trong công viên, chạy
dọc khu chuồng ngựa và khu nhà biệt lập Clary rồi đến đậu trước tòa lâu
đài gắn lưng vào sát vách đá, nơi mà cuối cùng ông đã dọn đến ở, sau khi
nhạc phụ ông qua đời. Khu nhà biệt lập giờ đây chỉ còn được sử dụng làm
thư viện và phòng thí nghiệm. Ông xuống xe và chìm vào không khí gia
đình với cùng một sự nhẹ nhõm run rẩy hệt như ở Timbo, nóng rực người
do sốt rét, ông nhào vào giường ngủ.
Rose, nàng Rose yêu quý bé bỏng của ông, tế nhị và thơm mát hệt như
khi ông đã để nàng ở lại, ôm hôn ông hai ba lần liền mỗi ngày, rung động
bởi các dòng lệ, trước khi giao phó ông cho các bác sĩ và đầu bếp. Nàng
kiên nhẫn cho đến tận lúc lũ trẻ, chúng không còn nhận ra ông nữa, dám
tiến lại gần cha mà không run sợ nữa trước khi hỏi ông những câu hỏi đốt
cháy môi nàng kể từ lúc ông ra đi:
– Thế nào, Aimé, những người Da Đen ấy mà, họ đã thuận cho mình
một vai trong vở Méphistophélès của họ chứ?
– Hãy tin là có đi, mình yêu của anh ạ! Vả lại, chính nhờ nó mà anh vẫn
còn sống đấy.
Một tháng sau, ông không những đã hết run lập cập và nôn mửa, mà thân
thể ông không còn bơi trong áo quần nữa. Con vật nơi rừng hoang trảng
vắng mà ông đã từng trở thành ấy đã quen lại được với cuộc sống gia đình
và với tiếng ồn ào của thành phố. Dẫu vậy, Fouta-Djalon vẫn không rời