ngày: vào lúc thủy triều dâng cao, Tombo hiện rõ như một hòn đảo nhưng,
khi thủy triều xuống thấp, thì nó lại được nhìn thấy chỉ như một cục bướu
của bán đảo Kaloum: hai trăm mét đường, là cùng, toàn sỏi lớn chia rẽ
chúng.
Và “hòn đảo” này, mà trên đó bắt đầu chớm nở ra thành phố, tính tất cả
gồm ba thương điếm và hai xóm nhỏ xíu, do hai bộ tộc chiến binh và thù
nghịch trú ngụ: Boulbinet ở phía quay ra biển, nơi ở của bộ tộc dữ dằn
Téné, còn Tombo nằm trong phía quay về bán đảo, là nơi tụ tập những
người Bagas gan góc. Boulbinet có thương điếm của người Đức tên Collin,
còn ở Tombo là thương điếm Anh! Ở đầu kia của đảo, cách bán đảo một dải
đá dăm, có một người Pháp lạ lùng cư ngụ, một kiểu Robinson Crusoé, ông
ta bán da động vật và sáp nến cho những con tàu quá giang. Một ông già
béo tốt hồng hào mang tên Maillard, người mà, trong mảnh đất hẻo lánh
heo hút này, đã biến sự tồn tại của mình thành một hòn đảo san hô xa xôi và
khó tiếp cận.
Ngôi nhà của ông ta nổi lên giữa một hàng giậu dày, lởm chởm những
gai góc và dây thép gai, không cửa rả lẫn cổng ra vào. Người ta chỉ có thể
vào được nhà nhờ một cầu thang mà ông ta dựng lên với một thiết bị tài
tình. Thoạt đầu phải lên tiếng giới thiệu danh tính: nếu người đó đáng tin
tưởng, ông ta xoay cầu thang và mời người đó leo lên, nếu không thì ông ta
huơ súng và nhả đạn cho đến tận khi nào kẻ lạ mặt phải quay gót.
Ông ta có cả thảy năm khẩu súng và tất cả đều mang tên phụ nữ: Carmen
dùng cho bọn Da Đen, Esméralda dùng cho người Đức, Arippine cho người
Anh, còn Marie-Antoinette dùng để bắn thú dữ.
– Thế còn khẩu này thì sao, hả ông Maillard? - Những kẻ tò mò hỏi ông.
– Khẩu đó hả? Ô, dành cho tôi đấy, sẽ dành cho ngày mà tôi không còn
đủ sức để leo lên trên đỉnh cầu thang nữa. Tốt hơn là chết như một con chó
còn hơn là bị ốm ở nơi này!
– Nó tên là gì, hả ông Maillard?
– Tôi cũng không rõ lắm: là Dominique vào những ngày mưa và
Monique cho những ngày còn lại trong năm.