sẽ là sách của ông. Và cuốn sách đó sẽ có tựa đề là Vô Cùng, tổng thể
những suy nghĩ của ông, điểm hợp nhất của tất cả những đối chiếu: ý tưởng
và cuộc sống, thực tế và hư vô, con người và Chúa trời. Cuốn Sự Siêu hình
của Thời hiện đại được ông bắt tay vào viết khi mười hai tuổi và hiện đã là
bản sửa lần thứ hai mươi.
René Caillé đã để lại những cuốn sổ du hành, còn ông, ông hẳn sẽ để lại
một cuốn nhật ký đi đường cũng thú vị như một tư duy, một tác phẩm trữ
tình hấp dẫn hay một cuốn bách khoa toàn thư.
Cũng có điều này phân biệt ông với hình mẫu nổi tiếng của ông: người
này đã lao động cực nhọc cho đến Guadeloup để có thể trang trải chuyến du
lịch của mình đến Toubouctou và đã chẳng có ai đón tiếp ngoài những đàn
muỗi và số phận đen đủi. Trong khi đó thì ông, từ Rufisque đến Boulam,
qua Ziguinchor, phần lớn những thương điếm là của ông, được thừa kế, có
ít thôi, từ người buôn tàu biển Pastré, nhạc phụ của ông. Nhưng đương
nhiên không có một ai trong số những nhân viên của ông đi tháp tùng ông
đến Fouta-Djalon. Ông sẽ khởi hành một mình với đám Da Đen, không hầu
gái, không kẻ phục vụ phòng, liệu đó chẳng phải là một kỳ tích.
Ông đi khắp các bản làng, bỏ rơi những bọn bịp bợm phỉnh nịnh trong
các khu chợ, nhưng ông gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển mộ phu
khuân vác. Dân chúng vùng duyên hải không thích phiêu lưu đến Fouta-
Djalon cho lắm. “Timbo ư, sẽ chẳng sống sót mà trở về đâu, - họ đáp lời
ông với sự kinh hoàng, - và nếu như người ta sống sót trở về thì cũng
không được tự do mà trở về.”
Ông đã phải mất ba ngày nói chuyện dông dài và chi rất nhiều quà cáp để
tìm thấy đủ một nhóm người sẵn sàng đi tháp tùng ông.
Mười thung lũng, ba dải đồng bằng, năm sườn núi và sáu con sông phải
băng qua!… Một buổi sáng đẹp trời, với sự sôi sục của đấng Moise lao ào
ào trên Miền Đất hứa, Mâly chỉ tay về phía khu rừng cao xa xa mất hút
trong đám sương mù:
– Ông thấy không, đằng kia kìa?… Ngay sau những tổ mối ấy?… Chính
đó là Fouta Djalon đấy! Ờ thì đó là xứ sở của nước và quả cây, của sữa