Giống như Glass, nhiều thành viên khác của OSS đã nói hoặc viết về những
lo ngại của họ trước sự phục hồi chế độ cai trị của Pháp tại Đông Dương.
Các báo cáo của họ đã được đọc, được đệ trình và bị lãng quên, bởi lúc đó,
"người Đông Dương" về mặt chính trị không mấy quan trọng đối với Mỹ.
Khi những tranh cãi về sự dính líu của Mỹ tại Việt Nam nổi lên, đặc biệt là
trong thập niên 60 và 70, một số chính khách và nhà báo đã lật lại những
báo cáo của OSS và các nhân viên đã phục vụ cơ quan này. Nhưng đến lúc
đó, "hoạt động tình báo" vẫn còn mờ nhạt. Đầu năm 1946, William
Donovan thuyết phục cử toạ chiếu cố đến công tác của các đặc vụ của ông
và những dính líu của nó đối với tương lai: "Có nhiều thanh niên nam nữ -
những người mà lòng yêu nước và kỹ năng đặc biệt trong loại hình công tác
(tình báo này đã được thử thách và rèn luyện trong chiến tranh - đang thiết
tha được tuyển dụng. Giá như chính phủ của chúng ta đủ khôn ngoan để sử
dụng họ". Tuyên bố cuối cùng dường như làm cho đôi mắt xanh của ông
bốc lửa và cử toạ thời hậu chiến có lẽ đã hiểu hầu hết những gì ông nói:
"Những thanh niên nam nữ này có thể là cứu tinh của hoà bình".
Liệu tuyên bố của ông có đúng với tình hình Việt Nam hay không không
nằm trong phạm vi của tác phẩm này. Tuy nhiên, những hoạt động và phối
hợp của các thành viên OSS trên bộ, của các cá nhân và các nhóm mà họ
cùng làm việc chỉ rõ tầm quan trọng của thời gian, địa điểm và con người,
nói một cách khác là tầm quan trọng của những sự kiện ngẫu nhiên trong
việc thấu hiểu mối quan hệ day dứt đã phát triển giữa Mỹ và Việt Nam.
Chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng, cuộc chiến tại khu vực này đã có thể
được ngăn ngừa bởi sự sáng suốt của các điệp viên nếu họ được chú ý đến,
và nếu như các ý kiến của họ không bị xếp xó.