ước nguyện của người cha đối với người con trai lớn nhất của mình, và tiến
trình hòa giải giữa hai đất nước mà Phạm Xuân Ẩn yêu tha thiết.
***
NĂM 1983, CON TRAI LỚN CỦA ẨN là Phạm Xuân Hoàng Ân tới
Liên Xô học đại học theo chương trình năm năm. Khởi đầu tại Học viện
Ngoại ngữ Minsk và sau đó tại Trường Dịch thuật Chuyên nghiệp Maurice
Thorez thuộc Học viện Ngoại ngữ Quốc gia Moscow, Hoàng Ân đã tốt
nghiệp hạng ưu, trở nên thông thạo tiếng Anh và đã viết luận văn ngôn ngữ
của mình về một bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh trích đoạn trong
cuốn sách Bên bờ sông Mê Kông và sông Hồng của A. A. Kurnetsova.
Kết thúc chương trình đại học, Hoàng Ân về nước. “Trái tim tôi như
muốn xổ tung khỏi lồng ngực khi mảy bay đáp xuống, ôi, đây là thành phố
thân yêu của tôi. Sáu mùa hè đã trôi qua kể từ khi tôi rời mảnh đất này”, sau
này Hoàng Ân đã viết về ngày trở về của mình như thế. “Cửa mở. Tôi cảm
thấy hơi nóng tháng 8 đã sưởi ấm trái tim lạnh giá mùa đông Moscow của
tôi. Một làn gió nhẹ mon trớn làn da tôi. Ở đây, tôi lại được tắm mình trong
ánh nắng và màu xanh cây lá. Mắt tôi dõi tìm những gương mặt thân quen.
Có má thân yêu của tôi, em gái và em trai tôi. Thời gian đã để lại dấu ấn
trên mái tóc ngả màu và khuôn mặt nhiều nếp nhăn của má. Nhưng tạ ơn
trời, bà trông vẫn khỏe và hạnh phúc. Những giọt nước mắt. Những nụ hôn.
Và vòng tay của má… Rồi tiếng chuông reo. Tôi trông thấy một chú chó
lớn vừa sủa vừa lao về phía cổng. Ba tôi xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Ông đi
nhanh tới và mở toang cửa. Ông trông không già hơn, nhung gầy hơn nhiều.
Lưng ông đã còng xuống nhiều hơn dưới gánh nặng của cuộc sống vất vả
và bận rộn… Niềm vui và hạnh phúc ngập tràn cơ thể và tâm hồn tôi trong
cuộc đoàn viên này”. (26)
Phạm Xuân Ẩn đã sống và làm việc với người Mỹ trước khi có một
cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Ông đánh giá cao người Mỹ. Sau
chiến tranh, như một lẽ tự nhiên, ông cũng mong muốn điều tương tự cho
con trai mình. “Đảng chỉ có thể dạy tôi những điều thuộc về ý thức hệ”, Ẩn