những việc làm của mình với Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh cũng
không hề cản trở, chỉ nhắc nhở mọi việc cần phải thận trọng.
Nguyễn An Ninh tham gia Hội Người Việt Nam yêu nước, Hội Liên minh
Nhân quyền và Hội Liên hiệp Thuộc địa, hoạt động rất hăng.
Một hôm Phan Châu Trinh gọi Nguyễn An Ninh đến, nói:
- Người xưa thường nói: Minh triết bảo thân. Điều này, anh và anh Quốc
nên chú ý. Một số bạn bè đã cho cậu biết, mật thám đang theo dõi rất sát
hai anh.
Nguyễn An Ninh biết Phan Châu Trinh rất lo cho hai người. Trong số thanh
niên người Việt hay đến chơi, Nguyễn An Ninh thấy ra điều đó. Nguyễn An
Ninh nói:
- Cậu yên tâm. Anh em con biết lo cho mình.
Phan Châu Trinh ậm ờ rồi đi ra khỏi nhà.
Đi một hồi, Phan Châu Trinh ghé lại công viên, lựa chỗ vắng ngồi một
mình.
Phan Châu Trinh rất vui vì lớp trẻ ngày nay có nhiều điểm hơn lớp người
của ông. Ông lo lắng chỉ vì ông qúy họ như con, chứ không hề trách. Tuổi
trẻ phải vậy, phải dám nghĩ, dám làm, dám lao vào những vấn đề mới. Thời
gian qua, ông và Phan Văn Trường đã tranh luận thẳng thắn với Nguyễn Ái
Quốc những vấn đề đang quan tâm. Theo Nguyễn Ái Quốc, những tuyên bố
về tự do, dân chủ của bọn đế quốc chỉ là những lời đường mật cốt để lừa
bịp các dân tộc bị áp bức. Muốn được độc lập và tự do thật sự, các dân tộc
bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình, người
Việt Nam phải tự giải phóng mình. Điểm này không sai, nhưng nếu không
lo khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh thì làm sao hiểu được tự do, dân
chủ để tự giải phóng mình ? Chống trả lại một tổ chức đàn áp hiện đại ta
phải có một tổ chức kháng cự hiện đại. Khi một giống nòi đã bị dồn đến
tình thế chỉ có thể lựa chọn giữa cái chết hay là nô lệ thì xông vào cái chết
là thể hiện tánh kiên cường. Người ta chỉ lên án bạo lực khi nó chưa thiết
yếu. Có những trường hợp bạo lực là con đường duy nhất thì ai cũng phải
chấp nhận nó. Nhưng thực tế từ ngày quân Pháp đem binh thuyền đến xâm
lăng nước Nam ta đến nay, sĩ khí dân tình khởi sự chống lại ngoại bang tiếp