ý thức được thế nào là "đông tay sẽ vỗ nên kêu". Có miếng ăn miếng mặc
cùng với cái chữ trong đầu, chẳng bao lâu người dân quê ông nói riêng, đất
nước Annam nói chung sẽ biết mình phải làm gì và làm thế nào để bảo tồn
văn hóa dân tộc, giữ vững được quê cha đất tổ, làm chủ cuộc đời, làm chủ
non sông gấm vóc. Lịch sử bao đời qua cho thấy ông cha chấp nhận hi sinh
xương máu, thậm chí xương máu của nhiều thế hệ để giữ gìn mảnh đất quê
hương, nhưng chưa có ai, chưa có triều đại nào nghĩ xa một chút là khi
giành được chính quyền rồi thì phải làm gì cho dân giàu nước mạnh. Từ
ngày người Tây dương đến, thì có rất nhiều cuộc nổi dậy chống ngoại xâm.
Điều đó rất qúy, rất đáng trân trọng, song chưa đủ làm nên nghiệp lớn.
Ngay cả sự hi sinh anh dũng của những sĩ phu quê hương xứ Quảng của
ông như: Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng
Tuyển, Phan Bá Phiến… hay ngay cả cái chết của thân phụ ông cùng những
nghĩa dân, nghĩa sĩ cũng đáng kính đáng phục. Lịch sử mai này có thể ghi
tên tuổi của họ, song ông cũng chưa bằng lòng. Họ chỉ biết vì vua, vì nước
quên thân, chứ chưa ai nghĩ điều gì to lớn hơn, chiến lược lâu dài hơn. Nếu
họ có thành công thì cuộc sống người dân vẫn trở lại như ngàn năm trước,
vẫn một nắng hai sương, tự cung tự cấp, vẫn tranh giành nhau góc chiếu
đầu đình, vẫn "miếng thịt làng hơn một sàng xó bếp"…
*
* * Về đến địa đầu tỉnh nhà, Phan Châu Trinh thấy không khí làm ăn, học
hành, nghe diễn thuyết ở các đình làng đã có vẻ sáng sủa hơn. Lớp người
tuổi trẻ tiếp nhận cái mới hồ hởi hơn. Thay vì đi luôn ra Hội An, lên Điện
Bàn để gặp bè bạn như dự định ban đầu, thì ông quay về nhà. Sau khi
nhang khói cho tổ tiên, người thân, Phan Châu Trinh nghỉ lại nhà với vợ
con mấy bữa. Mới đó mới đây mà ông đã có những ba đứa con (một trai,
hai gái). Nhìn tướng mạo của các đứa con, ông thấy lòng ấm hơn thêm.
Nhìn chung, mặt mũi đứa nào cũng sáng sủa, không có tì vết nào, rứa là
mừng. Thằng Châu Dật của ông đã được khai tâm từ năm ngoái và rất siêng
tập viết chữ. Con Đậu thì đã biết chạy khắp nhà và rất hiếu động, chọc phá
anh suốt ngày chứ không hề chịu giúp mẹ giữ em… Nghe con "tố khổ" lẫn
nhau, Phan Châu Trinh vui lắm, mọi buồn lo như trôi đi hết.