- Các anh, các cháu học được rứa là tốt lắm, chẳng bao lâu sẽ đọc sách vở,
ghi chép những điều cần ghi.
Thầy giáo đứng lớp là người anh nhà bác của ông, tên là Phan Khải, hơn
ông những hai con giáp, nhưng rất qúy trọng thằng em của mình. Ông cho
học trò nghỉ sớm vì lý do "có cụ phó bảng Tây Hồ về thăm trường".
Ông sai người nhà hãm ấm chè quế cho ngon và lấy bánh cho mấy đứa nhỏ,
rồi vui mừng nói:
- Tôi nghe chú về mấy bữa ni, nhưng bận quá, thành thử định hôm nào qua
mời chú lại nhà, anh em mình nói chuyện một bữa cho đã lỗ nhĩ.
Nhìn đám học trò đủ loại tuổi, trẻ nhất chín mười tuổi, lớn nhất cũng độ ba
mươi tuổi, Phan Châu Trinh tin rằng với sự ham học ấy thì lớp người này sẽ
làm nên tích sự đây. Anh ông cho biết, đến nay trường làng này được hai
lớp khoảng bốn mươi học trò. Học phí thì ai có chi trả nấy, không có cũng
được. Tiền lãi của hội buôn không những thừa chi trả những khoản cần chi
trả, mà còn có đồng vô đồng ra. Tùy theo nhu cầu từng địa phương mà các
hội buôn trao đổi hàng hóa cho nhau, nên bước đầu đã cạnh tranh được các
hiệu buôn của các chú khách, nhất là dẹp được những bọn thương lái ép giá
hàng nông sản, nâng giá hàng tiêu dùng một cách vô tội vạ trước đây.
Ông Phan Khải nói:
- Tôi làm ri chứ chưa bằng cái góc của chú Lê Cơ bên làng Phú Lâm. Nếu
rảnh, chú cũng nên qua bên nớ chơi cho biết. Chú phải nhớ rằng, chú chính
là linh hồn của phong trào, của công việc. Có bóng dáng chú, anh em tin
hơn, làm việc hăng hơn. Hàng tháng, chúng tôi đi lại trao đổi hàng hóa với
nhau cũng biết công việc của chú, của các cụ Minh Viên, Thai Xuyên. Nói
chung, anh em rất tự hào quê hương đã có những người như các chú.
Phan Châu Trinh cười, nói:
- Anh nói thì tôi nghe và mừng. Việc thành hay bại là do các anh. Bà con
mình biết đoàn kết làm ăn, biết chuyện phải chuyện không cũng nhờ từ các
anh chứ chúng tôi đâu có trực tiếp như mấy anh được.
Ông Phan Khải cãi:
- Chú nói rứa là tôi không chịu. Nói thiệt, chú không đỗ phó bảng, cụ Minh
Viên và cụ Thai Xuyên không đỗ tiến sĩ thì phong trào chưa chắc đã được