Huỳnh Thúc Kháng như vậy, thì tất cả anh em trong ấy cũng như vậy, chứ
nếu có gì họ cũng sẽ không nói để Phan Châu Trinh yên lòng.
Nhờ có đồng ra đồng vào nên mọi việc đối với Phan Châu Trinh cũng dễ.
Mỗi lần tàu cập bến, kể cả những tàu nước ngoài cập bến ghé Côn Lôn,
Phan Châu Trinh đều nhận được báo chí từ đất liền dù là rất cũ. Sau khi đọc
ngấu nghiến, Phan Châu Trinh đều tìm cách gửi vào khám cho anh em cùng
đọc để thấy mình không hề đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài. Một hôm,
Phan Châu Trinh có trong tay tờ báo Hoa kiều ở Xiêm (nay gọi là Thái
Lan) tường thuật trận đánh Đề Thám ở Phồn Xương (Yên Thế) cùng một số
tin khác cho rằng cái máy dân quyền ở Việt Nam đã bắt đầu chuyển động.
Phan Châu Trinh rất vui, chuyển ngay vào khám cho anh em xem. Với đà
này dù ông và anh em có chết già, chết rụi tại đây thì cũng sẽ có người khác
đứng lên dựa trên nền tảng dân quyền đã có mà giành lại đất nước, đưa đất
nước tiến lên một bước mới và chẳng bao lâu sẽ không thua chị kém em so
với các nước phương Tây. Lúc đó, bọn cường hào ác bá ở nông thôn sẽ bị
diệt vong; người dân quê cũng có cái nhìn rộng hơn, xa hơn; bọn quan lại
chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham không biết cái nghèo cái khổ của dân cũng sẽ
không còn… Sướng lắm ! Sướng lắm ! Phan Châu Trinh vung vẫy tờ báo
trong tay và reo lên một mình.
Chuyển tờ báo đi rồi, Phan Châu Trinh cứ như người bị mộng du. Những
người thợ làm đồi mồi với ông cũng không biết ất giáp gì và thông cảm cho
người dại chữ. Với họ, chỉ có dại chữ mới bị đày ra đây, chứ làm quan to
thì hà cớ chi ra đảo tù làm dân như họ. Thì ra, nhiều chữ chưa hẳn là sướng
!
Ngày hôm sau, Phan Châu Trinh nhận được tin trong khám gửi ra. Mở tờ
giấy, Phan Châu Trinh nhận ngay nét chữ của Huỳnh Thúc Kháng, ngoài
việc thông báo anh em trong khám rất khoẻ và rất vui khi nhận được những
dòng tin ở đất liền, nhất là "cái máy dân quyền" đang chuyển động. Bên
dưới có bài thơ thất ngôn bát cú:
Trầm trầm tứ bích nhật như niên,
Trù nẳng khâm kỳ gác nhứt biên.
Tù giới chi ưng nhàn dục tử,