hiện lên nhiều giả thuyết cho việc gặp gỡ sắp tới, nhưng ngoài mặt vẫn bình
tĩnh, từ từ quấn dây câu rồi theo chân hai người lính mã-tà. Gần tới chòi,
Phan Châu Trinh định xin phép hai người lính mã-tà vào cất đồ câu rồi hãy
đi, nhưng trước mắt ông, quan chánh tham biện cùng với một người Pháp
khác đang đứng cửa chòi chờ ông.
Khi vừa chộ mặt, thì người Pháp ông chưa biết mặt đã bước tới đưa tay ra
bắt tay ông, chào xởi lởi:
- Chắc ông là Phan Châu Trinh. Xin chào ông.
Phan Châu Trinh lần lượt bắt tay chào hai người. Quan chánh tham biện
giới thiệu, Phan Châu Trinh mới biết người khách lạ ấy là quan Thống soái
từ Sài Gòn ra gặp ông.
Thay vì về văn phòng quan chánh tham biện, quan Thống soái đề nghị, cả
ba người nên vào chòi lá của Phan Châu Trinh ngồi nói chuyện… cho vui.
Chỉ riêng cử chỉ này, Phan Châu Trinh đã có cảm tình với ngài Thống soái.
Theo suy nghĩ của Phan Châu Trinh, mỗi việc tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, lớp
quan Annam còn phải học sói trán.
Một người lính mã-tà theo lệnh quan chánh tham biện đi một thoáng mang
về đầy đủ cà phê, thuốc lá, trà, bánh cho ba người.
Sau một hồi tìm hiểu về những tháng ngày tù tội của Phan Châu Trinh,
quan Thống soái hỏi:
- Ông còn tư tưởng phản đối nước Pháp nữa không ?
Nghe câu hỏi hơi lạ, Phan Châu Trinh nhìn thẳng vào ông ta trả lời:
- Thưa ngài thống soái, bản tâm tôi không có tư tưởng đó. Tôi phản đối cái
chánh sách ngược đãi người Việt Nam chúng tôi, chớ không phản đối nước
Pháp.
Cả quan Thống soái lẫn quan chánh tham biện gật gù, nhưng quan chánh
tham biện chỉ ngồi nghe là chính, bởi ông ta không có quyền tham gia vào
câu chuyện này.
Quan Thống soái hỏi:
- Ông có quen biết Phan Bội Châu không ?
- Không chỉ quen mà còn là chỗ anh em bạn.
- Vậy thì anh cũng thuộc đảng bài Pháp chớ gì ?