lên quan Toàn quyền, quan Khâm sứ và đăng báo Tây, thuật rõ tình trạng
trong nước cùng hiểm tượng Đông Dương, bản ý là cốt tỏ bày mối tâm sự,
mở đường khai hóa sau này chớ không có ý gì khác, và không dè vì thế mà
mang tội.
Quan Thống soái còn đang ngẫm nghĩ, Phan Châu Trinh nói tiếp:
- Tôi xem sử Âu Tây có khi anh em một nhà mà chính kiến khác nhau,
huống gì là anh em bạn.
Quan Thống soái gật đầu, nói:
- Ông nói phải, chính kiến không đồng nhau, cái đó vẫn thường. Ông còn
muốn nói gì nữa không ?
Phan Châu Trinh trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Tôi ra ngoài hòn đảo này đã gần hai năm, cách xa đất liền, tin tức gì cũng
mù tịt, song có nhiều bạn tù ở Bắc kỳ bị đày ra đây thuật chuyện ngoài ấy,
nói biên giới phía bắc Trung kỳ thỉnh thoảng có những hành vi kịch liệt,
nhà nước xử bằng nghiêm hình trọng phạt. Theo tôi, cách làm ấy là thất
sách, không phải cách xử trí thích hợp, dễ gây nên mối biến loạn to. Ngài
nên có tiếng nói để nhà nước xem xét lại.
Quan Thống soái gật đầu ra chiều quan tâm đến ý kiến của Phan Châu
Trinh.
-Tôi vâng lệng quan Toàn quyền ra đây cốt để hỏi ý kiến ông, nên ông còn
việc gì cần nói thì cứ việc nói ngay, không can ngại gì.
- Vâng, tôi lúc ở trong nước, vào Nam ra Bắc nghe thấy cũng nhiều. Dân
tình chúng tôi khổ đủ bề. Các nhà đại chính trị sẵn lòng thâu thái, tôi sẽ
biên chép và trình bày sau chứ trong một cuộc đàm thoại không thể nói hết
được.
Quan Thống soái đứng dậy bắt tay ông.
- Ông ở lại mạnh giỏi. Tôi sẽ đạt ý của ông lên quan Toàn quyền. Có lẽ,
chúng ta sẽ gặp nhau ở Sài Gòn nay mai.
Hai người bắt tay nhau. Quan chánh tham biện cũng bắt tay chúc mừng ông
và hứa sẽ đối xử tử tế với những người bạn của ông.