thấy họ thông minh và có điều kiện làm được cái gì đó hơn lớp người của
ông. Cứ tin như vậy.
Ông Học Tổn vỗ tay khen ngợi. Những thầy cử, thầy tú mà quyền cước như
thế quả là văn võ song toàn. Mọi người đều nở nụ cười vui rồi cùng ngồi
lên bộ phản gõ lau người, đàm đạo chuyện thời tiết, chuyện mùa màng.
Chuyện đang say thì người nhà đã lên mời chủ và khách vào bàn dùng cơm
sáng.
Giữa bữa cơm, mỗi người ít nhiều cũng có một vài chén rượu ấm người,
Phan Châu Trinh mở đầu câu chuyện:
- Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tính rụt rè, không dám
làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ
nói: việc nhỏ không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng
nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả,
thành thử cả đời họ không có việc mà làm.
Nhìn khắp mọi người một lượt, Phan Châu Trinh thong thả nói tiếp:
- Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thông hay hủ lậu thì trong
đám chúng tôi ngồi đây duy có ba anh - vừa nói, Phan Châu Trinh vừa chỉ
Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Mai Dị - là hủ lậu hơn hết, vì ba anh có cái
đùm tóc như đàn bà.
Những người ngồi ăn cùng mâm đều hé môi cười, dù không ai dám cười
thành tiếng.
Thấy ba chàng trai trẻ bẽn lẽn, ông nói tiếp:
- Nào, ba anh thử "cúp" cái búi tó ấy có được không ? Đừng nói với chúng
tôi, việc nớ là việc nhỏ nghe. Việc ni mà các anh làm không được, tôi đố
các anh còn làm được cái chi ra hồn.
Nghe giọng nói khá nghiêm của ông, Mai Dị đỏ mặt tía tai, ngồi thẳng
người lên, nói một cách dứt khoát:
- Cúp thì cúp chớ sợ chi. Phó bảng như cụ mà còn cúp được thì nghĩa lý gì
thứ cử nhân, tú tài bọn tôi.
Cử nhân Nguyễn Bá Trác phụ họa theo:
- Thì sợ chi.
Phan Khôi cũng hứng chí, uống hết chút rượu còn lại trong chén, hùng hổ